khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Nhân học hình thể. I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Nhân học hình thể.

2 posters

Go down

Nhân học hình thể. Empty Nhân học hình thể.

Bài gửi by Ngo Thi Phuong Thu Jun 18, 2009 6:32 pm

NHÂN HọC HÌNH THỂ
(PHYSICAL ANTHROPOLOGY)


Nhân học là ngành khoa học có phạm vi rộng hơn cả về lịch sử, địa lý và có tính toàn diện trong cách tiếp cận với loài người so với các ngành học khác. Vì vậy, phạm vi nghiên cứu của Nhân học là rất rộng. Theo truyền thống, các nhà Nhân học đã chọn cách tiếp cận bản chất con người theo hai hướng khác nhau: Nhân học hình thể và Nhân học văn hóa.

Nhân học hình thể – Physical anthropology

Nhân học hình thể là chuyên ngành ra đời đầu tiên và sớm nhất của ngành Nhân học. Vấn đề quan tâm chính của các nhà Nhân học hình thể là con người với tư cách là một thực thể sinh vật. Mục đích của họ là khám phá ra những nét tương đồng và dị biệt của con người và các loài động vật khác.
Nhân học hình thể tìm kiếm câu trả lời cho hai dạng câu hỏi riêng biệt:
Câu hỏi về sự xuất hiện con người, nguồn gốc và quá trình hình thành con người. Phân ngành của Nhân học hình thể nghiên cứu về vấn đề này gọi là Cổ Nhân học (Human paleontology hay Paleanthropology).
Phân ngành của Nhân học hình thể nghiên cứu về vấn đề này gọi là Cổ Nhân học Chủng tộc học
Cổ Nhân học có nhiệm vụ nghiên cứu các hóa thạch của con người, tiền thân của con người và các loài linh trưởng có liên quan để tái hiện lại sự tiến hóa của con người từ người tối cổ đến người cổ và người khôn ngoan (Homosapiens). Trong quá trình nghiên cứu sự tiến hóa của con người các nhà cổ Nhân học còn sử dụng các thông tin địa chất học về các biến đổi khí hậu, môi trường, các loại thực vật và động vật qua thời gian để lý giải vấn đề môi trường và điều kiện sống của các hóa thạch người trong quá trình tiến hoá.
Linh trưởng học chuyên nghiên cứu những động vật có họ hàng gần gũi nhất với con người - loài linh trưởng từ những hóa thạch của chúng qua các thời kỳ địa chất cho đến các nhóm linh trưởng còn tồn tại hiện nay như khỉ, vượn, đười ươi…v.v… Từ việc nghiên cứu các loài linh trưởng, các nhà Nhân học cố gắng khám phá các đặc điểm riêng của con người khác với các đặc điểm thừa hưởng được từ các loài linh trưởng. Với thông tin này, họ có thể nghiên cứu tổ tiên thời kỳ tiền sử của chúng ta như thế nào. Những kết luận từ việc nghiên cứu loài linh trưởng hiện nay so sánh với các hoá thạch linh trưởng giúp cho chúng ta hiểu biết đẩy đủ hơn về nguồn gốc của loài người và văn hóa của chúng ta thời tiền sử.
Dạng câu hỏi thứ hai trả lời về vấn đề như thế nào và tại sao các cư dân đương đại khác nhau về mặt sinh học (tập trung đề cập tới sự đa dạng của con người - human variation). Nhân học hình thể nghiên cứu vấn đề này là Chủng tộc học (Race studies).
Chủng tộc học là nghiên cứu sự đa dạng của con người giải thích con người tại sao hiện nay ở các vùng trên trái đất khác nhau về đặc điểm sinh học và hình thể? Tất cả loài người hiện nay đều thuộc một loài Homo sapiens mà tất cả mọi người có thể lai giống với nhau mặc dù về hình dáng cơ thể, màu da, tóc, mắt khác nhau.
- Đặc điểm chủng tộc và phân lọai chủng tộc
- Nguồn gốc, nguyên nhân hình thành chủng tộc
- Quan hệ chủng tộc
- Quan hệ chủng tộc với phát triển xã hội
Chủng tộc học ra đời khá sớm ở Châu Au để nghiên cứu các chủng tộc khác nhau trên thế giới khi tiến hành phân loại cư dân trên thế giới thành 4 đại chủng: Ơrôpôit, Môngôlôit, Nêgrôit và Otxtralôit và các phân cấp nhỏ hơn như tiểu chủng và các nhóm loại hình khi dựa vào tổng hợp các đặc trưng Nhân học chủ yếu về hình thái sinh lý của con người. Những nhà khoa học chân chính đã chứng minh rằng, những đặc trưng phân loại này không mảy may liên quan đến trí tuệ của con người, đến sự phát triển của xã hội và đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khi phân chia loài người thành những “chủng tộc thượng đẳng” có khả năng phát triển mọi mặt vê trí tuệ, tinh thần là người xây dựng nền văn minh nhân loại, đối lập với những chủng tộc hạ đẳng, được xem là hèn kém, dốt nát cần được khai hoá. Phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày càng dâng cao và ngay ở nước Mỹ, nhiều nhà Nhân học đang vạch trần và phê phán những định kiến sai lầm và phản động của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Để hiểu sự đa dạng sinh học có thể quan sát được ở loài người hiện nay, các nhà nghiên cứu hình thể đã sử dụng các nguyên tắc, khái niệm và kỹ thuật của ba ngành: nghiên cứu gen người (nghiên cứu các đặc điểm của con người di truyền), sinh học dân số (nghiên cứu sự tác động của môi trường và sự tương tác với các đặc điểm dân số) và nghiên cứu dịch tễ học (nghiên cứu như thế nào và tại sao các bệnh tật ảnh hưởng tới cộng đồng và cư dân theo các cách khác nhau). Nghiên cứu sự đa dạng của con người vì thế nó liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu khác. Những người tự coi minh là nhà Nhân học hình thể quan tâm nhiều đến các cộng đồng người với sự khác biệt về mặt sinh học.

CỔ NHÂN HỌC (Human paleontology)
NGUỒN GỐC VÀ SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI
VỀ SINH HỌC VÀ VĂN HÓA

1. Vài nét về lịch sử nghiên cứu nguồn gốc loài người trong tiến hóa.
Từ khi con người nhận thức được về sự tồn tại của mình trong tự nhiên thì nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc con người, sự sống và vũ trụ luôn thôi thúc nhân loại. Sự giải thích những điều bí ẩn này ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc cũng khác nhau. Đầu tiên là sự giải thích của con người bằng các huyền thoại và tôn giáo, sau là những giả định của các nhà khoa học và cuối cùng là sự sáng tỏ bởi khoa học.
1.1. Thần thoại và tôn giáo
Từ xa xưa con người đã sáng tạo ra nhiều huyền thoại kể về sự phát sinh của loài người. Người Trung Quốc có chuyện bà Nữ Oa dùng bùn vàng nặn ra con người và thổi sự sống vào. Huyền thoại Ai Cập kể rằng chính thần Hanuman đã dùng đất sét tạo thành con người trên bàn xoay đồ gốm rồi trao cho linh hồn sống. Người Nhật thì tin rằng tổ tiên của dân tộc mình là con cháu của nữ thần Mặt trời Amaterashu. Cũng bằng huyền thoại, người Việt coi chúng ta có nguồn gốc là “con rồng cháu tiên” vv… Thời nguyên thủy, ở nhiều thị tộc-bộ lạc cổ xưa, con người tin rằng tổ tiên của mình sinh ra từ một động vật hoang, một cây cổ thụ hay một vật thể nào đó và tôn làm vật tổ của mình mà các bộ lạc thổ dân ở châu Mỹ (người Anhđiêng) gọi là “tô tem” - hình thái tôn giáo cổ sơ của con người. Khi Thiên chúa giáo ra đời, Thánh kinh (Bible) trình bày về nguồn gốc của vũ trụ, muôn loài và con người một cách hệ thống hơn. Theo đó Chúa trời có trước đời đời và sáng tạo ra tất cả trong 6 ngày:
- Ngày thứ nhất sáng tạo ra sự sáng và tối, gọi là ngày và đêm
- Ngày thứ hai sáng tạo ra không gian gọi là trời
- Ngày thứ ba làm ra đất, nước và cây cỏ
Ngo Thi Phuong
Ngo Thi Phuong

Tổng số bài gửi : 7
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Nhân học hình thể. Empty nhân học hình thể tiếp

Bài gửi by Ngo Thi Phuong Thu Jun 18, 2009 6:34 pm

- Ngày thứ tư sáng tạo ra các vì tinh tú làm cơ sở phân chia thời gian. Trong đó có một vì tinh tú lớn nhất cai quản vào ban ngày là Mặt trời và một vì cai quản vào ban đêm là Mặt trăng
- Ngày thứ năm sáng tạo ra các loài muông thú
- Ngày thứ sáu Chúa dùng đất sét sáng tạo ra con người theo hình mẫu của minh. Người đầu tiên là đàn ông gọi là Ađam, sau đó Chúa lấy xương sườn của Ađam để tạo ra người đàn bà gọi là Eva.
Sau sáu ngày công việc sáng tạo đã hoàn thành, ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi và chúc phúc cho muôn loài, gọi là Ngày của Chúa - Chúa nhật. Con người là sản phẩm tuyệt hảo nhất của Chúa, được Chúa yêu thương nhất giao cho cai quản muôn loài, được sống và hưởng sự sung sướng vĩnh hằng ở vườn địa đàng và được trực tiếp giáo tiếp với Chúa. Từ khi nghe lời con rắn dụ dỗ ăn trái cấm (trái biết phân biệt), biết tình yêu vợ chồng, Ađam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng để từ đó tạo ra thế giới loài người. Như vậy tổ tiên của loài người là Ađam và Eva, là sản phẩm sáng tạo đặc biệt của Chúa trời và ở vị trí trung gian giữa muôn loài và các thiên thần. Quan điểm này đã ngự trị rất lâu dài tới tận thời cận đại khi những dữ liệu khoa học giải thích đúng thực tế khách quan của lịch sử.
1.2. Những tư duy khoa học
* Giai đoan cổ đại TK VII - III trc CN:
Những tri thức về con người và mầm mống tư tưởng loài người tiến hóa từ động vật đã tìm thấy ở các nhà triết học cổ đại Hy Lạp từ những thế kỷ trước Công nguyên (tr.CN) như A-nac-xi-man-da (Anacsimanda, 610 - 546 tr.CN, Empedoclơ (Empedocle, 490 - 430 tr.CN), Đêmôcrit (Democrite, 470 - 380 tr.CN), Xôcrát (Socrate, 469 - 399 tr.CN) và những đại diện xuất sắc của trường Alexanđri (thành phố lớn ở cửa sông Nin - Ai Cập) như Herophin (Herophinle, 304 - … tr.CN), Eragistat (Eragistate, 300 - 205 tr.CN) vv…. Đó là các nhà tư tưởng đã sớm có nhận định về những đặc điểm chính phân biệt con người với động vật là tay và tiếng nói. Họ đưa ra những ý niệm đầu tiên vể sự xuất hiện của con người từ giới động vật qua hàng loạt những tiến hóa.
Bên cạnh tư tưởng triết học, những tri thức về con người còn được tích lũy ở các ngành hoạt động khác. Những cuộc mổ xẻ súc vật và nghiên cứu các bệnh lý ở người đã mang lại những tri thức về sự biến đổi ở các cơ quan riêng biệt trên cơ thể con người. Ở Ai cập cổ đại đã nổi tiếng về nghệ thuật ướp xác, điều đó không nghi ngở gì là họ phải có những hiểu biết cặn kẽ về cấu trúc cơ thể con người. Bác sỹ cổ Hy Lạp nổi tiếng Hipôcrat (Hipocrate, 460 - 377/356? tr.CN) nghiên cứu về sự ảnh hưởng của khí hậu lên cấu trúc con người và đã đề ra thuyết về tính khí con người dựa trên 4 chất dịch có trong cơ thể là máu, mật vàng, mật đen và chất nhầy. Theo Hipôcrát, với sự trội hơn về máu cho tính khí là người lanh lợi, hiếu động; sự trội hơn về mật vàng - con người hay xúc động, mật đen làm người hay rầu rĩ và sự trội hơn về chất nhầy - con người thường lãnh đạm, thản nhiên.
Một nguồn tư liệu nữa từ thời cổ đại là các ghi chép của các nhà thám hiểm, trong đó đặc biệt quan trọng là những ghi chép của Hêrôđốt (Herodote, 481 - 406 tr.CN - ông tổ của sử học) về các bộ lạc ở các quốc gia khác nhau, về sinh hoạt và nếp sống của họ và mức độ nào đó về hình dạng của các bộ lạc đó. Cho tới ngày nay những ghi chép ấy vẫn là những nguồn tư liệu quý cho nhiều ngành Sử học, Dân tộc học, Nhân học vv…
Song, nói tới những tri thức về Nhân học thời cổ đại không thể không nhắc tới Aristôt (Aristote, 384 - 322 tr.CN), người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Nhân loại học” (Anthropology). Trong các tác phẩm của mình như “Lịch sử động vật”, “Về sự xuất hiện của giới động vật”, “Về linh hồn” ông đã mô tả sự tương đồng và khác biệt giữa người và động vật có vú về cấu tạo, vai trò chức năng của các bộ phận của cơ thể và mối liên hệ giữa các bộ phận ấy. “Con người là động vật thông minh nhất không phải vì rằng nó có hai tay - Aristôt viết - Nhưng bởi vì có hai tay nên nó đã trở thành động vật thông minh nhất. Vì thông minh nhất sẽ sử dụng nhiều công cụ mà bàn tay, rõ ràng, không phải là một công cụ mà là nhiều công cụ. Nó là công cụ của nhiều công cụ. Thiên nhiên đã cho bàn tay, một công cụ tiện lợi nhất, chính bởi con người có thể tiếp thu một số lượng lớn nghệ thuật” [16/8]. Ông còn phân biệt 3 loại linh hồn khác nhau trong giới sinh vật: “linh hồn dinh dưỡng” ở thực vật, “linh hồn cảm giác” ở động vật và “linh hồn lý trí” ở con người. Đặc biệt, xem người thuộc giới Đông vật, và dựa vào cấu trúc, chức năng khác nhau của chúng Aristôt đã đề ra tư tưởng về dãy nâng cao dần của cấu trúc sinh học, “kiến tạo bậc thang”, theo sự hoàn thiện của cấu trúc cơ thể và đặt con người, mà Ông gọi là Đông vật xã hội, vào bậc thang cao nhất với những nét đặc thù như dáng đi thẳng, bộ não lớn, có tiếng nói và lí trí. Đây là tư tưởng có giá trị rất lớn đối với học thuyết tiến hóa vào thế kỷ 18 sau này. Do những quan điểm chống lại tôn giáo, Aristôt bị theo dõi và phải trốn chạy khỏi Aphin (nay là Athène) đến Eubée (nay là Chalcis), một hòn đảo ở phía Đông Địa Trung Hải và mất tại đây.
* Thời kỳ Trung đại:
Ở châu Âu đây là thời kỳ ngưng trệ trong tất cả các lĩnh vực của tri thức loài người. Những tư tưởng khoa học mới manh nha ở thời cổ đại đã bị các tư tưởng thần học và khắc kỷ nhà thờ cấm đoán và lấn át. Tuy vậy ở vùng Tiểu Á và Trung Á vẫn có các nhà bác học ra đời như Ibn- Xina, Biruni. Chính từ đây mà trong khoa học giải phẫu hiện đại còn giữa lại nhiều thuật ngữ Arập.
* Giai đoạn Phục Hưng:
Đó là thời kỳ con người đứng dậy chống lại ách áp bức hà khắc, chủ nghĩa khắc kỷ giáo điều của nhà thờ, Phục hưng những tư tưởng nhân bản, lòng ngưỡng mộ đối với sức mạnh và vẻ đẹp của tâm hồn và cơ thể con người “Đó là thời kỳ của một bước ngoặt tiến bộ vĩ đại… Đó là thời đại cần tới những nhà “khổng lồ” và đã sản sinh ra những nhà “khổng lồ” với sức mạnh của tư duy, trí tuệ của khí phách và lòng say mê…”. Trong giai đoạn này, giải phẫu sinh lý người đã thu được những thành tựu lớn lao. Nổi bật nhất là danh họa, nhà giải phẫu học Lêônađơvanhxi (Leonadvanci). Ông có nhiều công trình nghiên cứu về sự biến đổi trong cấu trúc cơ thể con người và đưa ra những định mức tiêu chuẩn trung bình về sự phát triển của cơ thể. Những thành tựu về cấu trúc cơ thể con người còn tìm thấy ở các nhà giải phẫu khác như Anđrê Vêzan (André Vésale, 1514 - 1564), nhà giải phẩu người Bỉ, người đầu tiên dùng phương pháp phân tích xác chết và là người đầu tiên đã mô tả một cách khoa học và khá chi tiết về giải phẫu con người, đánh mạnh vào quan điểm tôn giáo. Ông bị chính quyền vu cáo mổ xác một người còn chưa chết, bị kết án tử hình. Nhờ tài năng của mình ông được giảm án đày sang Jêrusalem. Hết hạn đày 1565 trên đường trở về ông bị chết do đắm thuyền lúc tròn 51 tuổi… Bên cạnh các nhà giải phẫu còn phải kể tới các công trình của các nhà sinh vật, mà nổi bật hơn cả là Anđrôvanđơ (Androvandr). Ông đã thực hiện hàng loạt các thí nghiệm để xây dựng nên bảng phân loại động vật theo mức độ thân tộc của nó.
Những phát hiện địa lý vĩ đại thế kỷ XV - XVI đã mang lại cho loài người những tri thức mới về các chủng tộc ở các vùng đất khác nhau. Những cuộc thám hiểm của Christoph Colon tìm ra châu Mỹ, của Vaxcô-đơ Gama đi vòng quanh châu Phi rồi từ Cực Nam đã đến được Ấn Độ, cuộc thám hiểm vòng quanh trái đất của Ma-zen-lăng… đã đưa ra những cơ sở đối với sự phê phán học thuyết của nhà thờ về nguồn gốc của con người từ Adam và Eva. Đã phát hiện ra một số loài khỉ hình nhân (vượn hình nhân) ở châu Phi như Gôrila, Simpanze… mang lại những nguồn tư liệu quan trọng cho tư tưởng về nguồn gồc từ động vật của loài ngừơi.
Những dữ liệu khoa học từ những dấu tích của người cổ đại để lại như xương cốt, công cụ hay khí cụ do họ chế tác… có quan hệ đầu tiên với Khảo cổ học. Tuy mầm mống của Khảo cổ học manh nha từ lâu rồi, nhưng khoảng sau Phục hưng nó mới trở thành một khoa học độc lập. Cuối thế kỷ XVI Mecati (Michel Mercati) đã khảng định bản chất của các “lưỡi tầm xét” mà người phương Tây gọi là xenori (ceraunies), từ Hi Lạp nghĩa là sét, là những loại hình công cụ hay khí cụ của người nguyên thủy chế tác ra và sử dụng, trước khi con người biết tới kim loại: “Nhiều người lầm tưởng xenori do sét tạo nên… Nhưng nay hiểu rằng chúng được tách ra bởi nhát đập cực mạnh của silex có độ cứng lớn trước khi kim loại sắt được biết đến và sử dụng trong các cuộc chiến. Người nguyên thủy chỉ biết dùng những mảnh tước này làm dao” [3/9].
Ngo Thi Phuong
Ngo Thi Phuong

Tổng số bài gửi : 7
Join date : 11/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Nhân học hình thể. Empty Thế kỷ XVIII - XIX

Bài gửi by Hasuongkch Thu Jun 25, 2009 2:45 pm

* Thế kỷ XVIII - XIX
Nhưng việc chấp nhận các xenori là do con người làm ra chưa giải đáp được vấn đề con người phát sinh từ đâu. Tới thế kỷ XVIII tư tưởng biến đổi của giống loài đã trở thành một trào lưu trong Sinh học, Triết học với các đại diện như Buyphông (Georges Buffon, 1707 - 1788) ở Pháp, E.Đacuyn (Erasme Darwin, 1731 - 1802) ở Anh, Kavecnep (Afanaxi Kavecnev, 1748 - …?) ở Nga. Đồng thời với những dự đoán táo bạo về nguồn gốc động vật của loài người, các nhà tự nhiên học đã lập ra các lược đồ phân loại sinh học, trong đó đã tách ra từ giới động vật một nhóm linh trưởng bao gồm vượn, cáo, khỉ và loài người. Đặc biệt Lamac (Jean Baptiste Lamarck, 1744 - 1829), học trò của Buyphông, trong tác phẩm “Triết học động vật”, là người đầu tiên giải thích về sự thích nghi của cơ thể với môi trường sống và khả năng di truyền được những tập tính đó và đưa ra nguyên lý về sự biến đổi các loài, từ loài này biến đổi thành loài mới (transformisme). Ông nhận định đúng đắn rằng con người từ loài khỉ lớn, do những thảm rừng bị mất dần, phải thay đổi lối sống từ cây xuống đất, đi bằng đôi chân và rồi từ biến đổi này dẫn đến các biến đổi tiếp theo, lâu đời mà thành. Ông quan sát dạng chuyển tiếp giữa các loài, sự phát triển của sinh giới từ thấp đến cao, thực chất là biểu hiện của tiến hóa, nhưng ông chưa biết tới đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên như là cơ chế và động lực của sự tiến hóa.
Thế kỷ XIX, nói chung việc tìm kiếm di cốt người cổ đã được chú ý và tích lũy ngày một nhiều. Với các hoạt động của Đơ Pectơ (Boucher de Perthes, 1788 - 1868) người Pháp, Lyen (Charles Lyell) nhà Địa chất học người Anh và sau này là Lacte (Edouard Lartet, 1801 - 1871) nhà nghiên cứu ngưới Pháp… vấn đề cội nguồn sinh học loài người được đặt ra rõ nét và dẫn đến sự ra đời của một khoa học mới Cổ sinh học người (Paléontologie humaine) mà Lacte được suy tôn là người sáng lập. Năm 1834, tại di chỉ Sansan Tây nam nước Pháp, Lacte phát hiện hiện được mảnh hàm dưới một khỉ lớn, tổ tiên xa xưa của vượn ngày nay, niên đại Mioxen giữa, được đặt tên là Pliôpitec (Pliopithecus antequus). Năm 1856, ở Renani (Rhenanie hay Prusse rhenane) tên gọi xưa của nước Đức đã có một phát hiện đầu tiên, quan trọng nhất về lịch sử con người là tìm thấy chỏm sọ người cổ Nêanđectan với các đặc điểm khác thường: kích thước lớn, trán vát ra sau, cung mày nổi, vòm sọ tương đối dẹp. Từ đó xương cốt người cổ cùng với công cụ, xương cốt động vật cổ đã tuyệt diệt được phát hiện ở khắp các châu lục, nhất là châu Á, châu Phi. Ở châu Au, năm 1865 trên bờ trái nhánh sông Lexơ (Lesse) nước Bỉ đã tìm thấy xương hàm dưới La Nolet (La Naulette) mà có ý kiến cho rằng hàm dưới La Nolet và chỏm sọ Nêandectan thuộc về cùng loại hình người rất cổ, có nét nổi bật là không có lồi cằm, đặc điểm giống với khỉ nhưng kết hợp có những đặc điểm giống người. Năm 1868 phát hiện người hiện đại Crômanhon (Cro-Magnon) gồm nhiều bộ xương người có đầy đủ những đặc điểm của người hiện đại ở vách đá Crômanhon, cạnh bờ của nhánh sông đổ vào Đoocđonhơ (Dordogne), Tây nam nước Pháp.
Như vậy, cho tới Lamac (Lamarck) những quan điểm về sự hình thành con người là kết quả của quá trình tiến hóa đã khá phổ biến. Nhưng phải đợi đến Đácuyn (Charles Darwin, 1809 - 1882) thì những luận điểm trên mới được tổng hợp thành một học thuyết - Học thuyết tiến hóa.
Đácuyn người Anh, lúc trẻ tiến hành cuộc hành trình qua các Đại dương. Ông quan sát sự đa dạng và sự thay đổi dần dần hình thái của các loài vật theo vị trí địa lý mà chúng sinh sống khi đi dọc bờ biển châu Mỹ từ Bắc - Nam. Năm 1859 Đacuyn xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc các loài”, sáng lập ra học thuyết tiến hóa của sinh giới, nêu ra nguyên lý chọn lọc tự nhiên trong việc hình thành các loài, vai trò của ngoại cảnh đối với sự biến dị và di truyền các tập tính. Trong bức thư gửi K.Mác ngày 11/12/1859, Angghen đã viết “ Đacuyn mà tôi đang đọc thật là tuyệt… Cho đến nay thần học chưa bị lật đổ trong lĩnh vực này (tức quan điểm siêu hình về tự nhiên hữu cơ), nhưng bây giờ thì việc đó đã được thực hiện” [3/12].
Vào những năm của thập kỷ 60, 70 thế kỷ XIX, trên cơ sở những tích luỹ của tri thức nhân học đã khá phát triển, ngành Nhân học ra đời với tư cách là một khoa học độc lập. Năm 1859 “Hiệp hội khoa học nhân chủng” đã ra đời ở Pari, Hiệp hội này đã xây dựng thành một trường phái nhân chủng và một nhà bảo tàng nhân chủng. Sau đó, các hiệp hội nhân chủng đã lần lượt ra đời ở các nước khác như ở Luân Đôn (1863), ở Đức, ở Ý. Chi nhánh “Nhân chủng học” thuộc hội “Những người yêu thích khoa học tự nhiên” ở Macxcova cũng được thành lập vào năm 1864.
Năm 1871, Đácuyn xuất bản tiếp cuốn “Sự phát sinh loài người và chọn lọc giới tính”, trong đó ông đề cập và lí giải đúng đắn những vấn đề về nguồn gốc loài người mà có thể tóm lược là “con người biểu hiện những đặc điểm cấu tạo và chức năng giống như động vật từ thấp đến cao, đặc biệt với khỉ dạng người, nhưng tổ tiên gần nhất của con người là một loài khỉ lớn đã tuyệt diệt, vốn sống ở cựu lục địa khí hậu nhiệt đới tương tự như châu Phi; thời kỳ loài khỉ lớn này tách ra thành dòng tiến hóa tới người có thể ước vào Eoxen (thuộc kỉ Đệ tam)” [3/15-16]. Giả thiết thiên tài về nguồn gốc tổ tiên của loài người từ một loài khỉ, trải qua con đường tiến hóa của sinh học, không nghi ngờ gì nữa, học thuyết của Đácuyn đã mang lại một bước tiến quan trọng về vấn đề nguồn gốc loài người. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” Anghen đánh giá học thuyến tiến hóa đã chỉ ra cách thức mà từ một tế bào đơn giản đã dẫn đến một cái cây hay một con người. Tất cả tiến hóa đó là nhờ kết quả hai đặc tính tuyệt vời của sinh vật: tính di truyền và tính biến dị.
Trong thời gian này, bên cạnh vấn đề nguồn gốc loài người, đứng trước những mâu thuẫn xã hội gay gắt của chủ nghĩa đế quốc, một số học giả đã quan tâm tới vấn đề nguồn gốc và mối quan hệ giữa các chủng tộc, hòng dùng nó để giải quyết các mâu thuẫn xã hội. Họ đã vận dụng học thuyết “Chọn lọc tự nhiên” vốn là một học thuyết tiến bộ và khoa học của Đácuyn vào xã hội loài người, nhằm biện minh cho chế độ bóc lột nhân dân lao động và huỷ diệt các dân tộc thuộc địa. Cái gọi là “Chủ nghĩa Đácuyn xã hội” thực chất là sự xuyên tạc, bóp méo cái bản chất đích thực của học thuyết Đácuyn. Nó được dùng làm công cụ tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở các nước đế quốc.
Chỉ có trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mới có được phương pháp luận đúng đắn để vận dụng và tiếp tục phát triển những tri thức của Đácuyn, mới có được sự lý giải đúng đắn, khoa học về vấn đề nguồn gốc loài người và các chủng tộc loài người trong ngành Nhân học.
Các vấn đề Nhân học đã được K. Mác và Ph.Anghen nghiên cứu trong rất nhiều tác phẩm như “Biện chứng của tự nhiên”, “Hệ tư tưởng Đức”, “Tư bản”, “Chống Đuy Rinh”, “Nguồn gốc của gia đình của sở hữu cá nhân và nhà nước” và đặc biệt là tác phẩm “Vai trò của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người”. Các nhà kinh điển Mác-xít là những người đầu tiên chỉ ra những khác biệt có tính chất nguyên tắc giữa các hiện tượng xã hội và sinh học, chỉ ra tính chất phản động khi mang các qui luật sinh học vào việc giải thích quá trình lịch sử xã hội. Đồng thời mang lại khả năng và phương pháp cho việc giải quyềt đúng đắn các vấn đề về nguồn gốc loài người và chủng tộc, về sự phân chia các tộc người và chủng tộc.
Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

Nhân học hình thể. Empty Re: Nhân học hình thể.

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết