khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á

2 posters

Go down

Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á Empty Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á

Bài gửi by Đinhnam Wed Apr 21, 2010 11:31 pm

Mười thế kỷ của thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên là cả một thời kỳ chuyển tiếp và định hình văn hoá quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở những truyền thống của mình, tiếp thu những ảnh hưởng của Ấn Độ, các nền văn hoá của các quốc gia cổ đại hình thành và phát triển. Tuy ra đời có trước có sau hoặc tồn tại có ngắn, có dài khác nhau, nhưng các quốc gia cổ đại đã để lại cho nền văn hoá của các quốc gia thời trung đại sau đó và cho hôm nay nhiều di sản vật thể và phi vật thể quan trọng. Và, một trong những do sản đó là cả một truyền thống xây dựng các công trình kiến trúc bằng gạch. Không ít những công trình kiến trúc gạch thời cổ này đã trở thành những kiệt tác kiến trúc của một số quốc gia Đông Nam Á hôm nay; thậm chí có quần thể kiến trúc gạch cổ Mỹ Sơn ở Việt Nam còn được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hoá thế giới. Dưới đây là một bức tranh khái quát về kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng các kiến trúc gạch ở quốc gia cổ đại của khu vực Đông Nam Á trong 10 thế kỷ đầu sau công nguyên.

1. Bức tranh chung

Trong khoảng thời gian dài gần một thiên niên kỷ rưởi, ít nhất là từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 13 sau công nguyên, Ấn Độ là cội nguồn cảm hứng tôn giáo Balamon giáo và phật giáo duy nhất đối với gần như cả khu vực Đông Nam Á. Cũng từ Ấn Độ, các dạng kiến trúc của các công trình tôn giáo và những kỹ thuật xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo này cũng được du nhập vào Đông Nam Á. Thế nhưng hiện nay, chỉ những phế tích hay những công trình ít nhiều đã đổ nát là những bằng chứng làm nổi bật những nền kiến trúc tôn giáo cùng những kỹ thuật xây dựng chịu ảnh hưởng Ấn Độ ở các quốc gia, các đế chế cổ của khu vực Đông Nam Á. Một số những di tích cổ nhất hiện được biết cung cấp cho chúng ta những cứ liệu đầu tiên về kỹ thuật xây dựng gạch của các đền tháp tôn giáo Ấn Độ ở Đông Nam Á là những ngôi đền đổ nát đã được xây dựng bằng những vật liệu khác nhau. Những công trình cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đó chính là các ngôi đền prasat được xây dựng bằng hỗn hợp cả gạch và đá của vương quốc Phù Nam và vương quốc Chân Lạp- những công trình kiến trúc "Ấn Độ hoá" sớm nhất ở Đông Nam Á lục địa. Các dấu tích ít ỏi còn lại cũng như những di tích đã được khai quật của nền kiến trúc Phù Nam cho thấy các công trình kiến trúc này chủ yếu được xây dựng bằng gạch, còn đá với tỷ lệ rất ít chỉ được dùng để thay vào những chỗ của những kết cấu vốn được làm bằng gỗ, như các bản lề cửa, các mộng và được làm rất chuẩn xác. Rõ ràng là, đã có cả một quá trình phát triển của kỹ thuật xây dựng các công trình tôn giáo bằng gạch của Phù Nam. Vì vậy, chỉ đến các kiến trúc tôn giáo Chân Lạp, chúng ta mới ít nhiều biết về kỹ thuật xây gạch cổ của Đông Nam Á lục địa. Điều đặc biệt là, những ngôi đền Khmer bằng gạch hiện còn cũng có niên đại cổ xưa như những ngôi đền Khmer bằng bằng đá. Những công trình kiến trúc tôn giáo Khmer cổ nhất là những ngôi đền được phát hiện ở Sambor Prei Kuk. Và có thể nói các công trình ở Sambor Prei Kuk cũng là một quần thể kiến trúc hiện còn có niên đại xưa nhất ở Đông Dương. Dù rằng các kiến trúc này được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, nhưng các nhà nghiên cứu cũng không tìm ra được nhưng đặc điểm xây gạch của Chân Lạp thông qua các di tích này vì kỹ thuật xây gạch rất phức tạp và rất khó thấy sự đổi mới trong sự phát triển. Khó có thể khẳng định và chứng minh được trong kiến trúc gạch Chân Lạp công trình cổ nhất lại là công trình xây dựng có kỹ thuật kém hơn các công trình được xây dựng về sau. Do vậy các nhà nghiên cứu thường chỉ tìm hiểu kỹ thuật xây dựng gạch cụ thể ở từng di tích hay từng khu di tích. Theo các nhà nghiên cứu, tại Sambor Prei Kuk, giữa các viên gạch không có kẽ hở. Mỗi mặt của viên gạch đều làm trơn nhẵn rồi thử đi thử lại sao cho khớp với viên gạch kia rồi mới đặt chúng vào đúng vị trí. Còn tác nhân gắn kết hay vữa thì cho đến nay được biết, chính là vữa đất, kiểu vữa mà ở Ấn Độ thường dùng trong suốt thời trị vì của vua Asoka. Và chuẩn mực xây gạch này còn tiếp tục được duy trì lâu trong các công trình kiến trúc tôn giáo bằng gạch của người Khmer. Chỉ đến khi Thủ đô của người Khmer chuyển đến Angco Thom, khi phong cách Banteay Srei thắng thế, thì kiến trúc đá mới trở thành phổ biến trong kiến trúc tôn giáo Chân Lạp. Dù là bằng đá hay bằng gạch, đối với kiến trúc tôn giáo cổ của người Khmer, hình dáng kiến trúc luôn đứng tách ra khỏi kỹ thuật xây dựng. Các thợ nề xây gạch Khmer phải cắt gọt những viên gạch của mình cho phù hợp và khớp với những đòi hỏi bắt buộc của cấu trúc của công trình tôn giáo.

Dù nằm ngay liên kề vương quốc Chân Lạp của người Khmer, người Chămpa, trong suốt quá trình lịch sử tồn tại của vương quốc, lại chỉ dùng gạch để xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo của mình. Dù rằng đá cũng rất có sẵn trong những khu núi rừng nằm giữa Chămpa và Chân Lạp, nhưng đá lại hầu như không được người Chămpa sử dụng trong xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo. Do vậy, người Chămpa là những người thợ bậc thầy về xây gạch ở Đông Nam Á. Như đánh giá của các chuyên gia, người Chămpa rất thuộc và rất hiểu nguyên liệu mà họ sử dụng để xây dựng đền tháp và đã rất biết hướng cấu trúc của công trình vào chất liệu của vật liệu. Ngược lại, cũng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, người Khmer lại hướng tới tạo hình thù hơn là các nguyên tắc xây dựng kiến trúc. Tại vùng quần đảo của Đông Nam Á, những công trình kiến trúc tôn giáo cổ nhất được biết là những công trình kiến trúc tôn giáo ở cao nguyên Diêng trên đảo Java ở miền trung hòn đảo. Các kiến trúc trên cao nguyên Diêng được xây dựng hoàn toàn bằng đá, nhưng như các nhà nghiên cứu nhận thấy, các phương pháp được sử dụng trong xây dựng lại là những phương pháp của những người thợ nề xây gạch có tay nghề cao. Sau thời kỳ của cao nguyên Diêng, các công trình kiến trúc tôn giáo của vùng quần đảo Đông Nam Á được làm bằng gạch khá nhiều. Nhiều kiến trúc gạch được biết ở Sumatra, Đông Java và Bali trong khoảng thời gian từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 cho thấy chất lượng và kỹ thuật xây gạch của các công trình này đã đạt đến trình độ cao không kém của người Khmer và người Chăm pa. Thế nhưng, như các chuyên gia đã chỉ ra, dưới góc độ kỹ thuật kiến trúc gạch, thì người Indônêxia lại là những người thợ thủ công thuần túy theo cách như người Khmer. Bởi vậy mà, trong suốt cả 4 thế kỷ của nền kiến trúc tiền Islam, không có một sự hiện diện nào cho thấy bất kỳ một sự phát triển nào trong kỹ thuật xây gạch ở vùng quần đảo thuộc Đông Nam Á hải đảo.

Những cuộc khai quật ở Kedah trên bán đảo Malay đã khám phá ra những nền móng của một số cấu trúc gạch và cấu trúc đá ong. Các cấu trúc đá ong, tuy hoàn toàn bằng đá, vẫn để lộ ra dấu ấn kỹ thuật tương tự như kỹ thuật xây gạch. Một số nhà nghiên cứu đã cho thấy sự tương đồng của kỹ thuật xây dựng giữa Sumatra với một số dạng kiến trúc tôn giáo vimana ở miền Nam Ấn Độ. Một nơi nữa hiện còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc tôn giáo gạch cổ kính là Mianma. Không còn nghi ngờ gì, như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, những công trình kiến trúc tôn giáo Phật giáo bằng gạch ở Prome Sri Kshetra và Pagan là những mẫu hình tiêu biểu về kỹ thuật xây dựng gạch tiên tiên bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á về mặt nghệ thuật xây gạch. Thế nhưng, ngoài những kỹ thuật xây gạch chung mà các nước Đông Nam Á khác có sử dụng, thì người Piu ở Prome và người Miến ở Pagan còn biết và rất giỏi về một số kỹ thuật xây gạch mà ở các nơi khác của Đông Nam Á không có. Đó là kỹ thuật xây vòm hình tròn và kỹ thuật xây hành lang vòm. Hai kỹ thuật xây gạch tiên tiến này đã được người Miến sử dụng trong việc xây dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhỏ. Một điều dễ nhận thấy nữa là, người Miến thời Pagan thế kỷ XI- XIII chỉ sử dụng gạch trong xây dựng ở khắp mọi nơi, chứ không xây dựng bất kỳ công trình tôn giáo nào bằng vật liệu khác nhau như gạch với đá ong giống như người Môn của Thaton ở vùng hạ Miến Mianma và người Môn của Dvaravati ở Thái Lan thường làm. Đá là chất liệu rất hãn hữu được sử dụng trong xây dựng của người Miến, chỉ trừ những trường hợp không thể không dùng. Và nếu được dùng, thì đá phải được cắt ra theo kích cỡ của gạch và dùng đá như dùng gạch.

Một nền văn hoá cổ nữa ở Đông Nam Á, mà ở đó các công trình kiến trúc cũng được xây dựng lên chủ yếu bằng chất liệu gạch là nền văn hoá Dvaravati của người Môn ở miền Trung Thái Lan, trong vùng hạ lưu sông Mênam. Đối với người Môn

Dvaravati, bên cạch vật liệu chủ yếu là gạch, đá ong cũng được dùng trong xây dựng các công trình tôn giáo. Người Môn Dvaravati đã dùng vỏ trấu của hạt lúa trộn với đất để làm gạch. Và để xây dựng những công trình tôn giáo bằng gạch, người Môn Dvaravati, đã dùng vừa đất làm chất kết dính, chứ không dùng một chất kết dính nào khác.

Tóm lại, theo các nhà nghien cứu,có thể nhận thấy, các trường phái xây dựng gạch ở khu vực Đông Nam Á cả vùng lục địa và vùng hải đảo đều nhấn mạnh vào sự khéo léo mang tính thủ công hơn là vào kỹ thuật kiến trúc- xây dựng những công trình kiến trúc bằng gạch. Duy chỉ có người Chămpa cổ mới là những bậc thầy của cả tay nghề thủ công và kỹ thuật xây dựng gạch

Đinhnam
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 10/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á Empty Re: Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á

Bài gửi by Đinhnam Wed Apr 21, 2010 11:32 pm

II. Những nền nghê thuật kiến trúc- xây dựng gạch tiêu biểu

1. Kiến trúc gạch của người Piu Mianma

Trước khi đến Miến Điện, tại Mianma đã từng tồn tại một số vương quốc cổ đại của người Piu và người Môn. những chủ nhân thưòi cổ này của Mianma đã để lại cho đất nước Mianma ngày nay không ít những công trình kiến trúc bằng gạch nổi tiếng. Một trong những đô thị lớn của người Piu để lại là đô thành Srishetra nằm trên bờ trái của sông Irawadi, cách Rangoom 180 dặm về phía tây bắc. Người sáng lập ra thành phố này, theo truyền thuyết là Duttabaung, người trị vì đất nước của người Piu vào thời gian rất xa xưa, cách ngày nay chừng hai ngàn năm. Phần lớn những phế tích và di tích cổ đều nằm ở khu vực phía nam toà thành và ở bên ngoài tường thành. Trong số những công trình kiến trúc quan trọng còn lại của Srishetra, đáng kể nhất là 3 ngôi tháp Phật giá cao và có niên đại cổ nhất ở Mianma thế kỷ V- VI là tháp Bawbawgyi, tháp Payagyi và tháp Payama được xây quanh các bức tường thành. Cả 3 ngôi tháp đều có kêt cấu đơn giản: trên nền tròn có nhiều bậc giật cấp nhô lên khối thân lớn hình quả chuông cao lớn đang đội cái đỉnh hìngh lọng ô. Tháp Bawbawgyi cao tới gần 40 m có thân hình trụ cao lớn đứng trên nền thấp hình tròn 5 bậc. Tháp có đỉnh hình nón và hiện nay đỉnh tháp mang một chiếc lọng ô của thời sau. Kiểu dáng của Bawbawgyi rõ ràng là có nguồn gốc trực tiếp từ các ngôi tháp hình bán cầu ở Sanchi và Amaravati của Ấn Độ. Tháp Bawbawgyi không phải là đặc hoàn toàn như cái dáng bên ngoài cho thấy, mà hai phần ba lòng tháp bên dưới rỗng và có mộ cửa mở vào trong lòng tháp. Ngoài các kiến trúc tháp Phật giáo, tại Srishetra còn lưu lại một số kiến trúc dạng chùa của Phật giáo- những kiến trúc có nội thất bên trong. Tiêu biểu cho dạng kiến trúc này là chùa Bebe và chùa Lemyethna.Chùa Lemyethna được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX là một kiến trúc gạch có bình đồ vuông và có hai trục đối xứng. Trung tâm nội thất của chùa là một chiếc cột lớn, vững chắc. Bao quanh cột là lối hồi lang vòm cuốn. Bốn cửa ra vào ở bốn mặt mở ra bốn hướng và hướng vào bốn hình điêu khắc phật giáo được gắn ở 4 mặt cột. Ngôi chùa nhỏ Bebe lại có một cấu trúc và thuộc một kiểu dáng khác hẳn. Chùa chỉ có một trục, một cửa ra vào và một gian mái vòm cuốn ở trung tâm. Khối vuông của chùa Bebe có mái là một khối tháp hình trụ như các ngôi tháp Phật giáo khác của người Piu.

Tại một khu đô thị cổ khác có tên là Beikhanno của người Piu cũng phát hiện được khá nhiều công trình kiến trúc gạch lớn và có niên đại rất cổ nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên. Một trong những phế tích đó là một toà nhà có bình đồ hình chữ nhật với một tiền sảnh nhỏ ở phía trước mặt tiền. Cấu trúc của nột thất toàn nhà gồm một hành lang dài phía trước và tám phòng nhỏ 3x3m. Các dấu tích còn lại cho thấy, mái của toà nhà bằng gỗ, tre, tường được trát vữa, cửa vào các phòng có cánh cửa gỗ. Theo các nhà nghiên cứu, có thể kiến trúc nhà dài này ở Beikhanno là một tu viện Phật giáo. Những công trình kiến trúc và những phế tích cổ được phát hiện ở Mianma cho thấy cư dân ở đây đã là những người rất am hiểu và có trình độ kỹ thuật và nghệ thuật xây gạch rất cao. Để làm ra loại gạch có chất lượng tốt, họ đã biết dùng đất trộn với vỏ trấu. Tuy chỉ dùng vữa đất để xây, nhưng các công trình kiến trúc cổ của người Piu ở Mianma vẫn có độ bền cao là vì những người thợ xây dựng ở đây đã biết đến một kỹ thuật xây dựng rất tiên tiến thời cổ: kỹ thuật xây vòm cuốn, một kỹ thuật độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á thời cổ. Từ thế kỷ thứ X, đặc biệt là từ sau khi vua Miến là Anoratha tiến quân chiếm đóng Thaton vào giữa thế kỷ XI, ảnh hưởng của nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng gạch của người Piu và người Môn đã được người Miến tiếp thu rất nhiều để xây dựng đô thành Pagan của mình.

2. Kiến trúc gạch của người Môn Dvaravati

Cùng với sự hình thành vương quốc Dvaravati cổ đại của người Môn ở miền trung Thái Lan, một phong cách nghệ thuật lớn ở khu vực Đông Nam Á ra đời- phong cách Dvaravati thế kỷ VI- XI. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc và kiến trúc của Dvaravati, cũng như của Piu đều mang nội dung Phật giáo. Và cũng như người Piu và người Môn ở Mianma, người Môn Dvaravati xây dựng những công trình kiến trúc của mình chủ yếu bằng chất liệu gạch. Rất tiếc là phần lớn những công trình kiến trúc của Dvaravati đã bị đổ nát hay đã được người Thái sau này phục dựng lại theo mô hình của người Thái. Thế nhưng, qua các phế tích ở Pra Men và Chulapathon, các nhà nghiên cứu đã dựng lên được mô hình xưa của các công trình này. Theo các nhà nghiên cứu, Pra Men có cấu trúc nền móng và quy mô đồ sộ không khác gì ngôi đền Anada kỳ vĩ ở Pagan mà người Miến đã xây dựng vào cuối thế kỷ XI theo phong cách của người Môn. Annada cao 52m, mỗi chiều rộng 88m, là kiến trúc có cấu trúc hai trục với cột trụ khổng lồ làm trục trung tâm như công trình Lemyetha của người Piu. Thế nhưng Annada trăm lần đẹp hơn vì các thành phần kiến trúc, đặc biệt là đỉnh mái hình tháp Shikhara, còn nguyên vẹn và thật sự hoàn hảo. Còn ngôi tháp Chulapathon thì lại là ngôi tháp vuông 5 tầng, cao 51m. Có thể nhận thấy Chulapathon là tiền thân của ngôi tháp Kukut sau này của người Môn ở Bắc Thái Lan

Trong số các kiến trúc Môn còn lại tại Thái Lan, tháp Kukut ở Lampun còn nguyên vẹn hơn cả. Xưa kia, tháp có tên là Mahabala do ông vua Môn ở Lampun xây dựng. Tháp Kukút có bình đồ vuông, gồm một nền hai bậc bằng đá ong và trên đó là khối kiến trúc 5 tầng bằng gạch cao 28m. Trên mặt của 5 tầng tháp đều có những khám lớn chứa tượng Phật đứng. Toàn bộ tháp Kukut được xây bằng gạch và được trát vôi vữa lên mặt tường. Sang thế kỷ XI, với cuộc tấn công của vua Khmer Suryvarman I vào Thủ đô Nakhon Pathom, nhà nước Dvaravati chấm dứt sự tồn tại gần 5 thế kỷ của mình. Thế nhưng, truyền thống nghệ thuật và kiến trúc của người Môn đã góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nèn nghệ thuật và kiến trúc của người Thái sau này.

3. Kiến trúc gạch của Phù Nam.

Như ở cácquốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á, trên vùng đất của nước Phù Nam xưa, những dấu tích kiến trúc còn lại của Phù Nam chủ yếu là các công trình kiến trúc tôn giáo. Từ những dấu tích còn lại, có thể thấy phần lớn các công trình kiến trúc tôn giáo của Phù Nam chủ yếu được làm bằng gỗ trên một nền gạch hoặc bằng gỗ kết hợp với những phiến đá mỏng được dùng để làm khung cửa ra vào và khung cửa sổ, dù rằng các giai đoạn lịch sử sau này, những công trình xây dựng lớn bằng gạch trở nên hiếm hoi, còn các công trình bằng đá thì hầu như không được biết đến. Dù xây dựng bất kỳ công trình tôn giáo lớn nhỏ nào, người Phù Nam cũng chỉ dùng gạch và đá. Và để xây dựng các công trình tôn giáo, người Phù Nam đã biết đến và sử dụng kỹ thuật xây "vòm giả". Để tạo ra vòm giả bao che cho một khoảng không bên trong nhất định nào đấy, những người thợ dùng cách ghép khoảng không nhỏ dần vào theo chiều cao bằng cách xây nhô dần đều vào phía trong từ các mặt tường đối diện cho đến khi cùng khép kín khoảng không gian bên trong đó ở chính tâm điểm và ở một độ cao nhất định. Với kỹ thuật vòm giả này, người thợ chỉ có thể che phủ cho một nội thất không lớn chứ kỹ thuật này không thể dùng để làm mái che cho những toà lâu đài, những phòng ốc rộng lớn. Để xây dựng các công trình có khoảng nội thất lớn này, người Phù Nam phải dùng đến gỗ. Mà điển hình cho hoạt động kiến trúc này là những toà nhà cột Mandapa phía trước các ngôi đền tháp thờ thần, phật. Bởi vậy, kiến trúc phổ biến của người Phù Nam là những ngôi đền tháp bằng gạch và đá chỉ có một gian nội thất thờ thầm nhỏ hẹp và tối, chỉ mở một cửa ra vào, không có cửa sổ chiếu sáng và thông gió. Để trang trí cho các kiến trúc tôn giáo của mình, những người thợ Phù Nam đã sử dụng các yếu tố trang trí sau: 1. mái nhiều lớphay tầng, 2: hoạ tiết Kudu trang trí trên các tầng trên của kiến trúc, 3: somasutra: ống máng dẫn nước thiêng từ trong đền thờ ra ngoài và thường có hình thuỷ quái Macara. Ngoài ngôi đền thờ thần, trong quần thể kiến trúc tôn giáo còn có một kiến trúc bằng gạch hay đá được làm như một gian nhà có lợp mái bên trên để che cho một tượng thần- kiến trúc Mandapa. Theo thống kê của nhà nghiên cứu người Pháp h. Parmentier, có 9 công trình bằng gạch thuộc thời Phù Nam và 7 công trình thuộc giai đoạn nằm giữa thời Phù Nam và thời Chân Lạp. Các công trình kiến trúc tôn giáo này chủ yếu nằm ở những vùng đồng bằng thấp của sông Mmê Công và sông Tonle Sap và ở vùng tam giác châu giữa 2 con sông trên. Nhóm di tích hiện còn hoàn chỉnh nhất của kiến trúc Phù Nam là Parasat Preath Theat Toc ở vùng này là thủ phủ của Kompong Cham, trên bờ đông của sông Mê Công. Nơi đây, về sau này đã trở thành cổ thành Banteay Prei Nokor hay Banteay Prei Angkor. Parasat Preath Toc gồm 3 ngôi đền nằm trên một trục đông- tây và hướng mặt về phía bắc. Ngôi đền phía đông là kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Đó là một công trình có bình đồ vuông bằng gạch, không có tiền sảnh. Cửa ra vào rất thấp, được làm bằng đá phiến không có bất kỳ một hoạ tiết trang trí nào. Ba mặt tường còn lại được chia dọc ra thành 3 ô trơn không mang hình trang trí gì bằng 4 cột ốp. Bốn tầng mái bên trên dễ nhận ra được trang trí bằng các đường diềm nối và các hình Kudu...Dù các công trình kiến trúc còn lại không nhiều, thế nhưng nền kiến trúc gạch của Phù Nam đã là một cái mốc quan trọng và sớm nhất đối với nền nghệ thuật kiến trúc gạch của khu vực Đông Nam Á

4. Kiến trúc gạch của Chân Lạp

Sau khi tiêu diệt Phù Nam, người Khmer của nước Chân Lạp đã tiếp thu những kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng gạch của những chủ nhân của vương quốc mà mình vừa xâm lược. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những công trình xây gạch thuộc thời kỳ chuyển tiếp ban đầu từ phong cách Phù Nam sang phong cách Chân Lạp. Đó là các dền thờ Asram Maharosei, Prasat Persat Theat và công trình số 19 của Sambor Prei Kuk. Ngay từ những công trình mang tính chuyển tiếp này đã xuất hiện những sự khác biệt giữa kiến trúc Chân Lạp và kiến trúc Phù Nam. Vật liệu bền được dùng để xây dựng các công trình kiến trúc Chân Lạp phần lớn và luôn luôn là gạch. Đá chỉ là vật liệu phụ và chỉ được dùng làm các khung và các ngưỡng cửa của cửa ra vào, đôi khi của cửa sổ; để làm các đà lanh tô và cột trụ. Và chỉ trừ để làm tường thành, cầu cống và các công trình công cộng, còn thì vật liệu bền chủ yếu và luôn luôn được dùng để xây dựng các công trình tôn giáo là gạch. Đá ong, đôi khi được gọi là "đá granit Biên Hoà"- những loại đá có mặt ở rất nhiều nơi trên đất Campuchia- cũng thường được dùng để làm móng và tường cho các công trình kiến trúc. Đôi khi, có cả một công trình kiến trúc được làm hoàn toàn bằng đá. Một loại đá khác rất đẹp là đá cát có các màu khác nhau của Campuchia- cùng thường được dùng để làm các lanhtô cửa, các cột nhỏ, các khung cửa và khung cửa sổ. Đá sa thạch hay được dùng để làm các bộ phận trang trí kiến trúc vì loại đá này là chất liệu tuyệt vời cho việc chạm khắc. Việc sử dụng đá sa thạch ngày càng nhiều hơn và đền thờ Angkor, các công trình tôn giáo hầu như được làm hoàn toàn bằng đá.

Trong kỹ thuật xây dựng gạch, mỗi hàng được xếp khít vào hàng trước bằng mài và gắn lại bằng một loại vữa. Theo ông H. Parmentier, loại vữa đó là một loại nhựa cây nào đó mà ngày nay đã không còn ai biết. Loại chất keo này rất mỏng và khó nhìn thấy, nhưng lại có khả năng, nhưng lại có khả năng chống đỡ và giữ cho cả khối kiến trúc cao tới 15m hoặc hơn khỏi bị đổ. Các viên gạch được chạm khắc, thậm chí ở các gờ mái đua, sau khi đã được xây thô xong, người ta còn thường phủ lên đó một lớp choàng những hình chạm khắc tinh tế và nhiều màu sắc...

5. Kiến trúc gạch Chămpa

Như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, ở Đông Nam Á thời cổ, chỉ người Chămpa mới là những nhà xây dựng và kiến trúc gạch bậc thầy và chỉ ở Chămpa, nghệ thuật khéo léo mang tính nghề thủ công làm các công trình bằng gạch đã kết hợp được một cách hài hoà với kết cấu xây dựng của công trình. Không phải ngẫu nhiên mà đã có những truyền thuyết và những giả thuyết khác nhau về kỹ thuật xây dựng các đền tháp cổ Chămpa. Các truyền thuyết và các giả thuyết trên cho rằng, người Chămpa xây đền tháp bằng gạch sống xong rồi chạm khắc các hoa văn và các chi tiết trang trí kiến trúc lên thẳng mặt tường bằng gạch sống đó. Sau khi đã hoàn thiện xong đến từng chi tiết, người ta mới đốt toàn bộ ngôi tháp cho chín thành gạch. Chỉ với kỹ thuật như vậy mới dễ giải thích vì sao mà các viên gạch và các hàng gạch của các tháp Chămpa lại khít vào nhau chặt tới mức ta cảm thấy như chúng được dán vào nhau. Thế nhưng các nhà khoa học đã chứng minh, các ngôi tháp Chămpa được xây bằng gạch đã nung chín chứ không thể bằng gạch đất được...Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, các chuyên gia Ba Lan đã dùng các biện pháp khoa học hiện đại như: nhiễu xạ Rơnghen, nhiệt vi phân, quan trắc phổ hồng ngoại...để nghiên cứu tính chất vật lý và kỹ thuật của gạch và chất kết dính ở các tháp Chăm. Kết quả phân tích cho thấy, gạch Chăm được làm từ loại đất sét Hydromica và được nung ở nhiệt độ không lớn lắmdưới 1.150- 1.000 độ C. Các phân tích cho biết, gạch Chăm có mảnh xốp, có trọng lượng riêng 1,522g/cm3nhỏ hơn so với gạch sản xuất hiện nay, không có "tiếng vang", độ đồng nhất tốt, độ hút nước khoảng 27%...

Với tất cả những gì mà chúng ta có thể biết được, có thể nhận thấy, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, người Đông Nam Á đã tiếp thu những kinh nghiệm và những kiến thức về kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng gạch của Ấn Độ để xây dựng những công trình kiến trúc tôn giáo và dân sự cho mình. Tuy cùng tiếp thu từ Ấn Độ, nhưng mỗi quốc gia cổ đại lại áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm học được theo kiểu riêng của mình. Chính vì vậy mà mỗi một quốc gia cổ đại ở Đông Nam Á đã để lại cho hậu thế hôm nay những công trình kiến trúc gạch đẹp, cổ kính và có giá trị mỹ thuật cao. Trong số những công trình kiên trúc cổ kính và có giá trị văn hoá- nghệ thuật đặc biệt ấy của Đông Nam Á, nổi bật lên hơn cả là những toà tháp gạch Chămpa.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam

Đinhnam
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 10/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á Empty Re: Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á

Bài gửi by Admin Thu Apr 22, 2010 12:29 pm

Lâu rùi diễn đàn mình không có những bài viết hay và mang tính khoa học thế này...
Thanks! bạn Dinhnam nhé!
Cố gắng phát huy, ủng hộ diễn đàn nhé! Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á 187157
Admin
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 44
Join date : 04/06/2009

https://khaocoviet.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á Empty Re: Kiến trúc gạch ở các quốc gia cổ đại Đông Nam Á

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết