khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN

Go down

MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN Empty MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN

Bài gửi by atena Fri Jan 07, 2011 8:47 am

MỘ TÁNG THỜI KIM KHÍ TRÊN ĐẤT LONG AN
Võ Thị Huỳnh Như
1. Mộ táng thời kim khí ở Long An qua tài liệu An Sơn và Gò Ô Chùa
Khu vực Đông Nam Bộ nơi đã từng có phức hệ văn hóa phát triển trong giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, nhưng do đặc trưng thổ nhưỡng và khi hậu, những di cốt của chủ nhân nền văn hóa này khó mà bảo quản được, vì vậy mà nhiều năm đầu nghiên cứu người ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ nhân của nền văn hóa này, cũng như đời sống của họ. Những năm gần đây những di cốt tìm thấy ở An Sơn, Lộc Giang, Gò Me, Gò Ô Chùa,… đã bổ sung nguồn tài liệu quý này.
Long An là một trong những tỉnh ở Miền Nam có những di tích thời tiền sử và đặc biệt có hai di tích chứa nhiều mộ táng là An Sơn và Gò Ô Chùa. Những nghiên cứu về giai đoạn tiền sơ sử ở Long An đã được tiến hành nhiều nhưng vẫn còn nhiều mảng trống, trong đó vần đề nghiên cứu về mộ táng là một mảng. Vấn đề này nếu được nghiên cứu sâu rộng hơn nữa, không chỉ cho ta cái nhìn tổng quát hơn về cuộc sống của cư dân Long An cổ mà còn là nguồn tư liệu quý giá nghiên cứu cư dân cổ của cả miền Nam.
Những di tích mộ táng giai đoạn tiền sử ở Long An gồm có: An Sơn, Lộc Giang, Mộc Hóa, Gò Ô Chùa. Tuy nhiên ở trường hợp các di tích Lộc Giang, Mộc Hóa, di cốt không được bảo tồn tốt trong lớp văn hóa, số lượng mộ táng ít cũng như dấu vết không rõ ràng.
An Sơn thuộc ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Di tích nằm về phía bờ trái và cách sông Vàm Cỏ Đông 280m về hướng Tây, cách rạch Bà Thấy về phía Bắc khoảng 1000m, cách rạch Lò Ô về phía Nam khoảng 2000m, có tõa độ địa lý 12o vĩ độ Bắc, 115o kinh độ Đông. Trên đại thể những di vật văn hóa khá tập trung ở hai khu vực liền khoảnh: khu trên gò Núi Đất, cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 6m và khu ruộng thấp nằm sát chân gò phía Đông. Diện tích tổng cộng hiện biết khoảng trên 10.000m2, trong đó khu trên gò rộng khoảng 8.525m2 với chiều dài đông tây là 105m và nam bắc là 85m. Di tích An Sơn lần được phát hiện lần đầu tiên năm 1938, tính đến nay đã có 4 lần khai quật (đợt mới nhất là năm 2009, nhưng chưa có công bố). An Sơn đã được xác định là một di tích cư trú – nơi nung gốm ngoài trời và khu mộ táng. Qua 3 lần khai quật (1978, 1997, 2005) tổng cộng đã phát hiện 20 ngôi mộ ở cả hai khu vực trên đồi và dưới ruộng.
Di tích Gò Ô Chùa thuộc Ấp Hưng Điền, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có tọa độ địa lý 11000’18” vĩ độ bắc và 105046’18” kinh độ đông, cách biên giới Việt Nam-Campuchia theo đường chim bay chỉ khoảng 2km. Đây là một dải gò rộng khoảng 6 ha, chiều dài 450m theo trục Đông Bắc-Tây Nam và chiều rộng khoảng 150m. Gò Ô Chùa nằm trên rìa giáp ranh giữa hai dải phù sa cổ phía Bắc và vùng trũng lụt kín Đồng Tháp Mười phía Nam. Rạch Ô Chùa nối với kênh Cái Cỏ (dải phân cách biên giới giữa Việt Nam-Campuchia) bao quanh di tích ở mặt Bắc và mặt Tây. Hai mặt Đông và Nam của di tích là cánh đồng lúa. Với vị trí địa lý như vậy, Hệ sinh thái Gò Ô Chùa vừa mang tính chất của vùng phù sa cổ vừa chịu ảnh hưởng cùa sinh thái vùng bưng trũng.Gò Ô Chùa gồm ba đỉnh gò nối tiếp nhau: gò Bắc, gò Giữa và gò Nam. Trong đó gò Giữa lớn nhất, cao nhất, cao khoảng 4m so với mặt ruộng xung quanh, theo nhân dân địa phương cho biết: gò Giữa không bao giờ bị ngập lụt, kể cả vào những đợt lũ lớn nhất như ở các năm 1991 và 2000, trong khí đó thì một phần gò Bắc và gò Nam bị ngập, từ đó có thể thấy Gò Giữa là nơi khá lý tưởng để người xưa chọn làm nơi cư trú. Di tích Gò Ô Chùa được khảo sát vào năm 1986, năm 1997, tiến hành khai quật lân đầu tiên, đến năm 2008, đã có 5 lần khai quật. Qua những lần khai quật này, có 75 mộ táng gồm 7 mộ vò và 68 mộ đất đã được phát hiện. Đồng thời tính chất là một di chỉ cư trú – xưởng làm gốm, mộ táng cũng được xác định
Phần lớn mộ táng trong hai di tích không phát hiện được huyệt mộ. Trong tổng số 23 mộ táng ở An Sơn có 9 mộ tìm thấy được huyệt mộ (H1M1, H3M1, H3M4, H3M5, H3M10, H3M11, H3M13, H3M14, H3M15, H3M17), đường biên mộ thường hẹp, bó sát người, có đoạn chỉ rộng 42cm (H3M10) “Hai cạnh bên gần song song, phía trên đầu và dưới chân thường được đào bo tròn. Đáy huyệt cạn, có lòng hình máng” [Phạm Quang Sơn, 2008, tr60]. Hầu như các mộ ở Gò Ô Chùa đều không có huyệt mộ (trừ các mộ M1.2003, 97.OCH.M7, 05.GOC.F3)
Ở di tích An Sơn, mộ chủ yếu được chôn theo theo trục Đông Bắc – Tây Nam (11/23) trong đó có 3 mộ quay đầu về hướng Tây Nam, (những mộ này đều nằm ở vị trí 04.AS.H1 và 04.AS.H2), 8 mộ quay về hướng Đông Bắc đều nằm ở hố H3 trong đợt khai quật năm 2004. Không có mộ nào được chôn theo hướng Đông Nam – Tây Bắc hoặc Đông Đông Nam – Tây Tây Bắc. Trong 2 mộ chôn dọc theo hướng Tây – Đông, mộ thứ nhất là mộ 78.AS.H1.M1, ở vị trí nằm gần giữa trên khu vực đồi cao, với đầu quay về hướng tây; mộ còn lại là mộ 04.ASH3M6, mộ có hướng đông tây, phía đầu quay về hướng đông nhưng riêng hộp sọ lại có hướng Đông Bắc – Tây Nam với đỉnh sọ quay về hướng Đông Bắc. Tuy nhiên vì số lượng mộ tìm thấy ở khu vực giữa gò quá ít chưa thể đưa ra một giả thuyết nào về việc có sự khác nhau hay không giữa hướng chôn mộ khu vực trên gò và dưới ruộng thấp hơn. Hướng mộ phổ biến thứ hai là hướng Bắc, cả 5 ngôi mộ nằm theo trục Bắc – Nam đều có đầu quay về hướng Bắc và cả 5 ngôi mộ này đều nằm ở hố 04.AS.H3.
Di chỉ Gò Ô Chùa. Hầu hết các mộ có đầu phía Đông Nam, chân phía Tây Bắc là chủ yếu (36/68), một số ít đầu hướng đông – đông nam, chân phía tây – tây bắc (20/68), cá biệt có 1 mộ tại hố 06.H -2.F38 là quay hướng đầu tây – tây bắc, chân phía đông- đông nam. Hiện tượng này khác hẳn An Sơn, chủ yếu quay đầu phía đông bắc, chân phía tây nam, cùng với vài ngôi mộ theo hướng ngược lại, đầu phía tây nam, chân phía đông bắc
Tất cả các mộ ở An Sơn đều được chôn nằm ngửa, không có hiện tượng bó xác. Tuy nhiên có một hiện tượng thú vị là một số di cốt có mặt được quay sang một bên, thường là quay về bên trái (04.AS.H3M1, 04.ASH3M9, 04.AS.H3M10, 04.AS.H3M14, 04.AS.H3M15, 04.AS.H3M16) hoặc sang phải (04.AS.H3M3, 04.AS.H3M5, 04.AS.H3M8, 04.AS.H3M17). Hai tay hài cốt thường được đặt xuôi dọc theo thân, hoặc hơi dang ra bên ngoài; hai chân thường đặt thẳng song song hoặc hơi khuỳnh ra. Độ cao của phần đầu và chân là ngang nhau, một số mộ có phần đầu chôn nâng cao hơn so với phần chân (04.AS.H3M1).
Phần lớn mộ táng ở Gò Ô Chùa là mộ đất, hung táng, có một mộ có lẽ là mộ cải táng theo nhận định của những người khai quật là mộ M7a(1997)và M7b [Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm, 1997, tr11]; mộ 05.GOC.F19a và 05.GOC.F19b có thể là mộ song táng trong hai thời điểm khác nhau và mộ F19a có trước [Nguyễn Xuân Mạnh, Andreas Reinecke, Bùi Phát Diệm, 2005, tr 61]; lại có trường hợp một di thể được/bị chọn trong tư thế nắm xấp (?) là mộ 05.GOC.F18 [Nguyễn Xuân Mạnh, Andreas Reinecke, Bùi Phát Diệm, 2005, tr 59.]; có một trường hợp đặc biệt khác là mộ M6 (1997), “mộ có xương chân, xương tay, xương sườn dường như được bó chặt trước khi chôn. Hộp sọ bị vỡ, toàn thân chỉ dài 1,2m, nhưng nếu thi thể dù có được bó chặt thì vị trí các xương cũng không thể ốp sát nhau như vậy, theo những người khai quật phải chăng người chết được để rữa hết thịt (không táng) sau đó được bó chặt (liệm) và mang chôn (địa táng)”[Ngô Thế Phong – Bùi Phát Diệm, 1997, tr10-11]. Thi thể thường được chôn nằm ngửa duỗi thẳng, hai tay gấp lại đặt trước ngực hay bụng, hoặc đặt song song với cơ thể, chân duỗi thẳng hoặc hơi khuỳnh thành vòng đặt hiện vật. Đa số di cốt được chôn bằng nhau về độ sâu, mộ số mộ có đầu được gối lên cao như: 05.GOC.F21, 05.GOC.F34, 05.GOC.F36, 08.GOC.H1L5M1, 08.GOC.H1L4M4. Tình trạng cắt phá mộ khá phổ biến, nhiều ngôi một muộn hơn, chồng lên, cắt những ngôi mộ được chôn trước đó: mộ 05.GOC.F31 phá hủy mộ 05.GOC.F7b, mộ 05.GOC.F13a và F13b phá hủy mộ F11, mộ 05.GOC.F13a chồng lên mộ F13b, mộ 05.GOC.F9 chồng lên mộ F15, mộ 05.GOC.F27 chồng lên mộ F18,… Tình trạng cắt phá phổ biến này, có thể là do quan niệm không mấy chặt chẽ về việc lực chọn đất chôn, hay là do thiếu mặt bằng chôn cất ở môi trường sông nước và đầm lầy nên họ chấp nhận việc cắt phá vào mộ thời trước đó. Hiện tượng như thế lại không tìm thấy ở di tích An Sơn. Ngoài ra việc xuất hiện hình thức song táng, cải táng là một dấu hiệu cho thấy cộng đồng đã được chia thành những gia đình nhỏ và mối quan hệ máu thịt trong gia đình đã được coi trọng, không còn là chế độ gia đình lớn là một bộ tộc.
Ngoài mộ huyệt đất ở Gò Ô Chùa, còn tìm thấy 7 mộ vò hung táng chôn trẻ em. Điều lạ là những mộ này lại được chôn ở độ sâu sâu nhất, mộ sâu nhất lên đến 2,50m, trong khi những mộ đất khác thường nằm ở độ sâu nhỏ hơn một, những mộ sâu nhất chỉ ở khoảng 1,40m. Vì vậy có thể suy đoán, những mộ vò này là của những lớp người định cư đầu tiên ở Gò Ô Chùa, còn những mộ đất được nhận định là thuộc giai đoạn muộn của Gò Ô Chùa.
Hầu hết mộ ở Gò Ô Chùa được chôn ở độ sâu dưới 0,50m, tức là giai đoạn muộn. Vậy những người thân của những trẻ em được chôn trong những mộ vò trên khi chết được chôn cất ở đâu? Tại sao không tìm thấy trong khu vực xung quanh? Có phải là giai đoạn đầu, khi mà dân số trong khu vực còn chưa đông, người ta có một khu vực chôn riêng, không phải ở ngay nơi cư trú. Khi mà dân số trong cộng đồng ngày càng tăng thì nhu cầu nơi ở, nơi sinh hoạt, sản xuất và cả nơi táng cũng tăng cao, vì vậy họ táng người chết ngay gần khu vực cư trú và chấp nhận tình trạng cắt phá mộ như đã trình bày ở trên.
Ba ngôi mộ tìm thấy trong đợt khai quật An Sơn năm 1978 có độ sâu từ 0,85 đến 1,45m.
Trong 20 ngôi mộ phát hiện năm 2004, không kể H3M1 và H3M2, các mộ còn lại trong hố H3 đều có vị trí nằm xung quanh, dưới chân hoặc lưng chừng của một tích tụ lớn các mảnh gốm và công cụ đá. Mộ H3M1 nằm gần như riêng lẻ, cách xa về hướng đông- bắc, là phía trứơc theo hướng quay đầu của các mộ còn lại. Phía trên H3M1 và H3M5 có những lớp đất màu sắc khác nhau, đắp cao thành gò mộ. Tất cả các mộ đều nằm trong 3 lớp đất dưới cùng, lần lượt từ dưới lên là :
1. Lớp cát sét trắng vàng là sinh thổ, đôi chổ không thấy màu trắng mà chỉ là lớp cát sét xám loang lỗ. Lớp này khi bị nắng khô sẽ bị cứng lại và đổi thành màu trắng.
2. Lớp trên là cát sét xám, ẩm. Trong lớp này gồm ít gốm vụn
3. Trên lớp cát sét xám là đất nâu, thường bị bỏ rời và chứa nhiều gốm.[ Phạm Quang Sơn, Nguyễn Quốc Mạnh, 2005, tr21]
Khu H3 có thể là một khu mộ táng tồn tại trong khoảng thời gian khá dài. Có thể chia làm 3 giai đoạn. “Giai đoạn sớm nhất, gồm phần lớn các mộ như M1, M3, M5, M10, M13, M14, M15 và M17.Giai đoạn 2 gồm 2 mộ M4 và M7. Hai mộ M9 và M11 thuộc giai đoạn muộn nhất. Các mộ không có đồ tùy táng là M6, M8, và M16 có thể thuộc giai đoạn 1 hoặc 2” [Phạm Quang Sơn, 2008, tr61].
Khi khai quật di tích An Sơn những người khai quật đã ghi nhận có hiện tượng rãi gốm, tuy nhiên chưa làm rõ cách thức rãi gốm ở đây. Trong di tích Gò Ô Chùa có ít nhất 3 cách thức rải gốm vào mộ: mộ có gốm rải ngữa dưới đáy huyệt trước khi chôn người chết như mộ 05.GOC.H6.F20 và mộ 05.GOC.H6.F24; mộ rải gốm úp trên thi thể như mộ 06.TS1.F13; mộ rải gốm úp 2 bên thi thể như mộ 06.TS1.F3. Các mảnh gốm rải vào mộ thường là đồ gốm lớn – mảnh chun cổ hẹp có màu da cam- đã được đập vỡ thanh nhiều mảnh trước khi rải vào mộ.
Đồ tùy táng phổ biến ở 2 di tích chủ yếu là đồ gốm nguyên, dọi se chỉ, công cụ sản xuất bằng kim loại và các đồ trang sức… phản ánh một phần nào đó quan niệm về sự phân hóa xã hội cũng như những quan niệm về thế giới bên kia. Điều đặc biệt là những đồ tùy táng này vật dụng đã được sử dụng, có thể là đồ từng dùng của người chết, được chôn theo như một món đồ sở hữu, dùng ở thế giới bên kia, thế giới đó cũng giống như thế giới bên này. Không có dấu vết của đồ minh khí, những đồ này xuất hiện khi xã hội phát triển hơn và con người dùng đồ minh khí như một sự phân biệt giữa thế giới người sống và người chết.
Đồ tùy táng trong các mộ ở An Sơn Có có đồ gốm, đồ đá và đồ trang sức. Đồ tùy táng thường được đặt từ thắt lưng trở xuống và trên hai chân. Số lượng đồ gốm trong mộ ít và không giống nhau: có 8 mộ không có đồ tùy táng (78.AS.H1M1, 04.ASH1M1, H2M1, H2M2, H3M2, H3M6, H3M12 và H3M16 đều ở H3); 4 mộ chỉ có 1 đồ tùy táng (04.AS.H3M3, H3M5, H3M14, H3M15); 3 mộ có 2 đồ tùy táng (78.AS.H1M2, 04.AS.H3M8. 04.ASH3M17); 2 mộ có 3 đồ tùy táng (04.AS.H3M9 và 04.AS.H3M11); mộ 04.AS.H3.M10 có 6 đồ tùy táng và có 2 mộ có 8 đồ tùy táng là 04.AS.H3M1 và 04.AS.H3M13.
Gốm là là loại đồ tùy táng nhiều nhất. Cũng giống như các hiện vật tìm được trong hố khai quật, đồ gốm tùy táng có xương gốm chủ yếu là sét pha thêm bã thực vật, cát hoặc vỏ nhuyễn thể. Về loại hình, đồ gốm ở đây khá đa dạng về loại hình: nồi hình cầu với vai gãy hoặc vai tròn, bình thân hình cầu có chân đế, hũ nhỏ, bình – thố, đĩa nông lòng, tô sâu lòng, bát bồng, ly hình trụ có chân đế, cà ràng. Chủ yếu là các loại đồ đựng bằng gốm. Trong đó, các loại hình gốm tùy táng phổ biến là nồi, bát bồng, lọ hình cầu, đặc biệt là tô, đĩa thân mỏng, miệng bẻ lượn sóng. Hoa văn trang trí cũng là những dạng văn thừng văn, chảy, in, vạch nhưng có sự kết hợp tạo nên sự mới mẻ. Đồ án trang trí hoa văn cũng khá phong phú và đa dạng, ngoài các loại văn thừng, văn chải thông thường, đồ án hoa văn gốm An Sơn (trong cả di tích) về cơ bản có 3 loại: răng sói – là những đường có dạng răng cưa nối liền nhau; chấm dải vuông – những đường được tạo bởi những chấm dải vuông theo lối đứng thẳng hoặc xiên và kiểu khắc vạch – chải trên nền thừng hoặc chải [Hà Thị Kim Chi, 2007, 64-65]. Những loại hoa văn này được sử dụng linh hoạt ở nhiều vị trí, kết hợp với nhau một cách sáng tạo. Những đồ tùy táng cũng có kiểu tạo hình và trang trí hoa văn tương tự như vậy.
Di vật đá dùng làm đồ tùy táng chỉ có hai hiện vật là hai chiếc rìu có vai nằm trong mộ 04.AS.H3M3 (đã bị vỡ ngang lưỡi) và 04.AS.H3M13. Trong mặt bằng chung của di tích, di vật đá ở An Sơn có số lượng không nhiều so với các di tích cùng thời, do nguồn nguyên liệu chế tạo khan hiếm, cư dân đã dùng rất “tiết kiệm” công cụ đá, thường xuyên “thanh xuân hóa” công cụ đá để sử dụng được lâu hơn. Vì vậy việc hiếm có công cụ đá trong tùy táng là điều dễ hiểu.
Công cụ xương, sừng là một nét độc đáo của cư dân cổ ở Long An, di tích An Sơn là một trong những di tích sớm có công cụ bằng xương, sừng. Tuy nhiên cũng không tìm thấy những dạng di vật này trong đồ tùy táng.
Trong số các di vật tùy táng có một loại rất đặc biệt, ở trong một ngôi mộ cũng đặt biệt. Đó là những hạt chuỗi bằng vỏ nhuyển thể. Tất cả 2094 hạt chuỗi đều nằm “in situ” tại các vị trí cổ, ngực, tay trái và tay phải của di cốt người. Tất cả đều được làm từ vỏ nhuyễn thể màu trắng ngà, có vân ở thân, với 7 loại khác nhau [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Quốc Mạnh, 2005, tr23]. Đồ trang sức làm bằng vỏ nhuyển thể đã được phát hiện khá nhiều trong các di chỉ ở vùng cận biển miền Trung và Nam Bộ. Tuy nhiên những di vật tiêu biểu mới chỉ là vòng, khuyên tai. Hạt chuỗi làm bằng vỏ nhuyễn thể vẫn còn là di vật hiếm hoi. Trong di chỉ An Sơn, cũng chỉ tìm thấy ở ngôi mộ 04.AS.H3M1. Ngôi mộ có vị trí đặc biệt như đã miêu tả ở phần trên.
Trong 75 ngôi mộ đã tìm thấy ở Gò Ô Chùa, số lượng đồ tùy táng phân bố cũng không giống nhau. Có 12 ngôi mộ không có đồ tùy táng (hoặc nếu có đã bị các mộ khác cắt phá, như trường hợp mộ 05.GOC.F13b), 43 mộ có từ 1 đến 5 đồ tùy táng, 11 mộ có từ 6 đến 10 đồ tùy táng, 5 mộ có từ 11 đến 15 đồ tùy táng, 2 mộ có 17 đồ tùy táng và 1 ngôi mộ có 20 đồ tùy táng.
Một điều hiển nhiên là số lượng đồ tùy táng ở di tích Gò Ô Chùa sẽ nhiều hơn và phong phú về chất lượng hơn khi mà Gò Ô Chùa tồn tại và phát triển sau di tích An Sơn. Khi mà đời sống con người được cải thiện thì những công việc “chia của cho người chết” cũng được quan tâm hơn.
Trong số những đồ tùy táng ở Gò Ô Chùa, chiếm số đông nhất vẫn là các hiện vật gốm, kế đến là các hiện vật xương sừng, các hiện vật kim loại, thủy tinh và đá quý; chỉ có 2 hiện vật đá tìm được trong tổng số những mộ táng trên.
Hiện vật gốm chủ yếu vẫn là các loại hình nồi, vò, lọ nhỏ, bát bồng, và dọi xe chỉ.
Đặc biệt khá nhiều mộ có dọi xe chỉ chôn theo đó cho thấy nghề dệt vải là một nghề thủ công có vai trò khá quan trọng trong đời sống cư dân Gò Ô Chùa. Không có một nào chôn theo chạc gốm, các mảnh chạc gốm lẫn trong mộ là do huyệt mộ được đào vào lớp chạc gốm hoặc đo đất lấp mộ có lẫn chạc gốm.
Các hiện vật xương sừng thường là xương động vật (hổ, lợn) và gạc (sừng) của hươu nai được vót nhọn một đầu, có lẽ được dùng làm một loại mũi nhọn (?). Tập tục chôn theo xương hàm động vật, chủ yếu là xương hàm lợn cũng khá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Xét về công dụng của công cụ, trừ hiện vật chủ yếu thường là đồ đựng và công cụ, trong đồ tùy táng cũng như trong các lớp văn hóa còn có một lượng khá lớn các đồ trang sức. Chất liệu thủy tinh có 7 hiện vật, trong đó có 4 hiện vật tìm thấy trong mộ táng. Có 4 đồ trang sức bằng đá ngọc, 1 trong số chúng tìm thấy trong một mô táng (05.GOC.F19a). Đồ trang sức còn được làm bằng chất liệu hữu cơ, hiện đã tìm thấy 3 hiện vật như thế, trong đó đặc biệt là hiện vật ký hiệu 05.GOC.H5-6(60) tìm thấy trong mộ 05.AS.GOC.F32, là một đôi vòng ống bằng ngà. Các mô-tip hoa văn bông lúa và hình xoắn ốc trên các đẹp đồng rất giống với hoa văn trên các hiện vật trang sức bằng đồng của văn hóa Đông Sơn [Vương Thu Hồng, 2006a, tr363].
Thông qua những phân tích trên ta có thể nhận thấy, ở An Sơn và Gò Ô Chùa tuy chưa hình thành những tập quán chôn cất hoàn chỉnh nhưng cũng đã có những định hướng về khu vực táng, hướng mộ táng, chôn theo đồ tùy táng cho người chết. Vị trí chôn cất cũng như số lượng và loại hình hiện vật chôn theo đã phần nào thể hiện sự phân biệt giữa những người chết. Đó là dấu hiệu chứng tỏ trong 2 di tích này đã có sự phân hóa xã hội. Trong di tích An Sơn, mộ 04.AS.H3M1, có vị trí nằm cao và tách biệt về hướng đầu của đa số các mộ táng khác, gò mộ nổi cao, đồ tùy táng hết sức phong phú (Cool và đặt biệt là hàng ngàn hạt chuỗi hiếm. Người quá cố được chôn trong mộ M1 là người có địa vị xã hội quan trọng trong cộng đồng, được tập trung quyền lực và của cải [Phạm Quang Sơn, Nguyễn Quốc Mạnh, 2005, tr14]. Trong số các mộ ở Gò Ô Chùa, tuy chưa tìm được một ngôi mộ có nhiều sự khác biệt rõ nét như vậy, nhưng cũng thấy rằng có một số ít mộ có từ 15 đến 20 đồ tùy táng với nhiều loại hình, chất liệu, một số khác, lớn hơn là những di cốt không có đồ tùy táng hoặc chỉ có 1, hoặc 2 đồ tùy táng bằng những đồ gốm. Người đàn ông được chôn dưới mộ được đánh số 05.GOC.F32 có một bộ trang sức hiếm có như đôi vòng ống bằng ngà, có thể ông cũng là một nhân vật có danh phận cao quý trong cộng đồng cư dân cổ ở Gò Ô Chùa [Vương Thu Hồng, 2006a, tr363]. Đều trùng hợp là trường hợp những di cốt có nhiều đồ tùy táng hay có những đồ tùy táng đặc biệt đều là nam. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay chính là biểu hiện của sự phân hóa, phát triển của xã hội, đó là biểu hiện cho thấy những tộc người ở 2 di tích này đang ở vào thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, phát triển theo chế độ phụ hệ.
Theo những giám định của PGS.TS Nguyễn Lân Cường những di cốt ở An Sơn những sọ nam của An Sơn gần nhất với những sọ của cư dân Giồng Cá Vồ, Đông Sơn nhóm loại hình Đông Nam Á và cách biệt với sọ của cư dân Australian, Melanesien, Lào...Người cổ Gò Ô Chùa gần với cư dân Đông Sơn (nhóm loại hình Indonesien), Thái Lan và Việt... nhưng khác biệt hẳn với Úc, Lào, Giồng Cá Vồ, Melanesien và cư dân Đông Sơn (nhóm loại hình Đông Nam Á)...
Nghiên cứu di cốt ở 2 di tích đã phát hiện nhiều điểm thú vị. Lần đầu tiên trên những sọ cổ Việt Nam, phát hiện được bệnh viêm xương trên xương chẩm, răng cối lớn có núm Carabelli, 2 răng cửa bên phải bị các răng khác chèn không mọc được, hiện tượng sâu với tỷ lệ cao, hiện tượng gai đốt sống… được phát hiện trên các di cốt An Sơn. Từ những di cốt Gò Ô Chùa người ta còn phát hiện cư dân ở đây có tục nhổ răng và nhuộm răng với tỉ lệ khá cao.
2. Mộ táng thời kim khí ở Long An trong khu vực Nam Bộ thời kim khí và bình diện rộng hơn
Trong khu vực tỉnh Long An hiện có 4 di tích đã tìm được di cốt là, Gò Ô Chùa, Rạch Rừng, Lộc Giang, An Sơn.
Lộc Giang là một di chỉ có niên đại tương đương với An Sơn, lại nằm rất gần nhau, cùng ven bờ sông Vàm Cỏ Đông. Trong tầng văn hóa Óc Eo của hố I đã phát hiện được một hộp sọ, không tìm thấy đốt sống và xương chi [Nguyễn Lân Cường, 2004,tr181], vì vậy rất khó giám định và đưa ra những phán đoán.
Rạch Rừng cũng là một di chỉ nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Mộc Hóa. Rach Rừng là di chỉ tiền sử đầu tiên tìm thấy di cốt người ở khu vực vùng trũng Đồng Tháp Mười. Tại đây đã tìm thấy 8 cá thể người ở độ sâu 0,75m – 1,75m, trong đó có 3 bộ xương sọ còn nguyên vẹn và xương chi khá đầy đủ. Tuy nhiên không thấy có tài liệu miêu tả về cách thức táng, đồ tùy táng, huyệt mộ,... chỉ biết rằng các bộ di cốt người tìm thấy được chôn theo hàng dọc, đầu quay về hướng Tây [Vương Thu Hồng – Đào Linh Côn và nhóm thực hiện; 1996, tr]. Di tích khá gần với di tích Gò Ô Chùa, trong cùng một môi trường sinh thái trũng, ngập nước, tuy chưa có điều kiện nghiên cứu so sánh nhưng rất có thể một số tập quán táng tụng giữa hai nơi sẽ giống nhau. Những di cốt ở Rạch Rừng được Nguyễn Quang Quyền xác định là thuộc loại người thượng cổ, gần giống với Melanesien. Nhưng Nguyễn Lân Cường lại cho rằng đây là những người Indonesien cổ, giám định này có lẽ chính xác hơn, khi mà những di cốt ở Gò Ô Chùa cũng được xác định là gần với người Indonesien [Nguyễn Lân Cường, 2004,t r180]. Phong tục nhuộm răng ở người Gò Ô Chùa cũng được ghi nhận rất phổ biến, tương tự như ở trường hợp người cổ Rạch Rừng [Vương Thu Hồng, 2008, tr125].
Trong khu vực Nam Bộ, hiện đã có một số di tích được xác định là có mộ táng, giai đoạn sớm có Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Gò Me, muộn hơn có các di tích khu vực Cần Giờ, Gò Cây Tung.
Di chỉ Gò Me nằm trên một cồn cát trong vùng ruộng thấp thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), một khu vực có nhiều di tích khảo cổ học đã được phát hiện. (Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá). Trong đợt khai quật năm 2004, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra 2 ngôi mộ cổ. Di chỉ đã được đoạn định niên đại khoảng 3000- 1800 BP [Phạm Quang Sơn 2008, tr173-174.] tưong đương khoảng thời gian tồn tại của Gò Ô Chùa. Người chết ở hai ngôi mộ đều được chôn nằm ngửa, thân nằm thẳng theo hướng đông nam – tây bắc, một mộ quay đầu về hướng tây bắc (04GMTS2M1), mộ kia ngược lại quay đầu về hướng đông nam (04GMTS6M2). Mặt hơi quay về bên trái, hai cánh tay để song song với thân người, xương bàn tày cũng đặt trên đùi giống như vài trường hợp mộ táng ở An Sơn và Gò Ô Chùa. Trước khi chôn cất người chết, đáy mộ được rải nhiều mảnh đồ gốm vỡ, phía trên hài côt cũng được phủ một lớp gốm. Trong mộ cũng có hiện tượng chôn theo nhiều xương thú, đặc biệt là xương móng lợn. Hiện vật tùy táng ngoài những mảnh xương thú còn có rìu đồng, lao sắt tương tự như trường hợp Gò Ô Chùa.
Di tích khảo cổ Cù lao Rùa, thuộc xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Di tích tồn tại trên cù lao là một ngọn đồi nổi cao 15m so với mặt bằng khu vực, có cấu trúc như hình mu rùa. Đặc biệt trong lần khai quật năm 2003, đã phát hiện một loại hình di tích mới bên cạnh di tích cư trú ở Cù lao Rùa – di tích mộ táng với tất cả là 12 mộ huyệt đất nằm ở bậc 2 theo độ nghiêng của sườn đồi, nhìn ra dòng chảy chính của sông Đồng Nai. Đặc trưng chung của những ngôi mộ này là được chôn trong các hốc hoặc dưới rìa cạnh của những tảng đá ong lớn, được làm phẳng bề mặt, cũng có những ngôi mộ dùng những tảng đá ong nhỏ che chắn tạo khuôn viên cho ngôi mộ. Huyệt mộ không thống nhất cho tất cả ngôi mộ nhưng phổ biến theo hướng Đông – Tây (5 ngôi mộ) với nhiều độ lệch hướng khác nhau từ 20o – 30o, có một số mộ theo hướng Bắc – Nam (3 ngôi mộ) và hơi chếch tây khoảng 30o, 1 mộ có hướng Đông Bắc – Tây Nam, 2 mộ hướng Đông Bắc – Tây Nam và 1 mộ không định hướng. Bề mặt mộ có hiện tượng rải gốm vỡ của các loại gốm như nồi, bình, vò, bát bồng cùng chất liệu, loại hình... với những hiện vật gốm phát hiện trong các hố khai quật thuộc di tích cư trú. Còn những hiện vật tùy táng còn nguyên, thường đặt ở một đầu của ngôi mộ với cấu trúc phổ biến là một bát bồng nằm ở vị trí trung tâm và hai bên là hai nồi gốm. Cả ba hiện vật này đặt trên một trục thẳng hàng. Dọc thân mộ cũng đặt có mộ là một nồi gốm có mộ là một bát bồng ở khoảng giữa bụng hoặc ở đầu đối diện của ngôi mộ. Vì không còn di cốt nên khó phân định hướng nào là đầu mộ, hướng nào là chân mộ nhưng căn cứ trên những di tích khảo cổ học khác đã được khai quật như di tích An Sơn (Long An) cùng với mẩu xương ống nhỏ tìm thấy trong H4M3 ngay trong cụm di vật này, ta có thể cho rằng khu vực chôn theo cụm ba hiện vật trên là chân mộ. Ngoài ra, trong các mộ còn phát hiện một số công cụ đá như rìu, cuốc, đục còn nguyên và hầu như những công cụ này chưa có dấu vết sử dụng [Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2008, tr122-123.). Những ngôi mộ huyệt đất này được xác định thuộc giai đoạn sớm trong hai giai đoạn văn hóa từng tồn tại trong di tích này – vào khoảng 3.500 – 3.000 năm cách ngày nay [Nguyễn Khánh Trung Kiên, 2008, tr125.), tức là cùng lúc với thời gian tồn tại của di tích An Sơn. Trong táng tục của cư dân Cù Lao Rùa cũng có nhiều điểm tương đồng với cư dân An Sơn về hướng mộ (các hướng Đông Bắc – Tây Nam , Đông – Tây,..), đồ tùy táng (các loại đồ đựng bằng gốm, bát bồng, và đều đã được sử dụng…) và cách thức đặt đồ tùy táng (thường đặt ở một đầu của ngôi mộ, dọc thân mộ). Hai di tích này, một di tích nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, một năm giữa sông Đồng Nai, có những điều kiện thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi bằng đường thủy, điều này tạo nên những tương đồng nói trên, nhưng cũng có thể sự tương đồng này mang tính nguồn gốc, vì cùng thuộc vào phức hệ văn hóa Đông Nam Bộ (?).
Một di tích khác cũng nằm bên bờ sông Đồng Nai là Dốc Chùa, , với niên đại 2990 ± 105 BP và 3145 ± 130 BP [Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ,1993, tr155] tương đương giai đoạn muộn của An Sơn. Tính đến năm 1993, ở đây đã phát hiện ra 40 ngôi mộ đất, nằm trong độ sâu từ 0,20-0,40m. Những ngôi mộ này không còn di cốt cũng như không có huyệt mộ việc xác định đây là mộ là dựa vào cách thức sắp xếp những đồ gốm, mảnh gốm, mảnh đá. Do không còn di cốt nên việc xác định tư thế chôn, hướng chôn khá khó khăn. Theo các nhà nghiên cứu những ngôi mộ này có hướng chủ yếu là Đông Nam –Tây Bắc (13mộ), Đông – Tây (11mộ) , Bắc – Nam (7),…[Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ,1993, tr25]. Những ngôi mộ ở đây cũng có hiện tượng rải đá, gốm như An Sơn hay Gò Ô Chùa (một số chỉ là mộ đất, mộ số chỉ rải gốm, và một số rải cả gốm và đá). Những mảnh gốm vỡ thường là những mảnh của những đồ đựng có kích thước lớn như chum vại, và được xếp trên bề mặt của di cốt giống như những hiện tượng chúng ta đã thấy ở An Sơn. Trong phần lớn các ngôi mộ đều có chôn theo một hay nhiều đồ đựng bằng gốm: nồi, bát bồng, bình, chậu,... Một số ít trường hợp chôn theo chum lớn, nhưng những chum này đều được đập vỡ trước khi chôn ; trong vài ngôi mộ khác có những hiện vật đồng cũng bị bẻ gãy hoặc đập móp[Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ,1993, tr143] Hiện tượng này thể hiện tư duy của những cư dân nơi đây đã có sự phân biệt giữa thế giới người chết và người sống. Hiện tượng này lại không tìm thấy ở An Sơn, vốn không tìm thấy đồ tùy táng bằng đồng, còn ở Gò Ô Chùa, những hiện vật đồng chủ yếu đã bị gỉ sét, khó có thể quan sát xem có hiện tượng như thế hay không. Còn việc đập vỡ những đồ đựng rồi rải mãnh gốm lên mộ thì ở An Sơn và Gò Ô Chùa đều có, nhưng vẫn có những đồ tùy táng còn nguyên vẹn. Một điểm khác biệt khác là theo ở Dốc Chùa, đồ tùy táng được chôn không theo quy luật nhất định [Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ,1993, tr28], không giống như An Sơn (thường đặt ở đầu mộ và dọc thân mộ) hoặc Gò Ô Chùa,
Muộn hơn, ở khu vực Bến Tre, có di chỉ Giồng Nổi. Giồng Nổi đã được xác định niên đại là khoảng 2500 BP cho đến đầu công nguyên [Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới, 2007, tr 32], tương đương với Gò Ô Chùa. So sánh loại hình học công cụ đá Giồng Nổi với các di tích khác ở Nam Bộ, cho thấy có sự tương đồng can bộ di vật này với di vật đá tại An Sơn, Lộc Giang, Bình Đa, Suối Chồn,…[ Nguyễn Thị Kim Dung, 2007 tr 92] Nhưng điều đặc biệt của di tích này là một lượng lớn xương người và động vật tìm thấy trong các lớp văn hóa. Tuy không có dấu vết mộ táng, nhưng xương người tìm thấy rải rác ở khắp nơi, nhưng không ráp lại thành thi thể được (chủ yếu là các phần xương hàm dưới, răng cửa, gò má, xương đùi) [Vũ Thế Long, 2007, tr51-52]. Trong tổng số rất nhiều xương thú tìm được ở đây chiếm số lượng nhiều nhất là xương lợn (trong hố khai quật 1, có 36,13% số xương đã xử lý, ở hố 2 là 40, 98%). Hiện tượng chôn người cùng xương lợn là một phong tục ở khu vực Đông Nam Á. Việc chôn theo những chiếc xương lơn nhứ thế rất phổ biến trong các mộ táng ở Gò Ô Chùa.
Giữa Gò Ô Chùa và Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt vừa có mối quan hệ giao lưu vừa là đồng đại. tại các di tích này, loại hình chân đế mâm bồng hình trụ thường có đường gờ 2 nổi “kiểu ren”, mâm bồng áo màu xám đen miết láng,…Đặc biệt những mảnh gốm có hoa văn là những hạt nhỏ như hạt đậu xanh nổi ở mặt trong đồ gốm, là dấu kỹ thuật, không có ý nghĩa trang trí tìm thấy ở Gò Ô Chùa trên loại nồi hình cầu miệng loe vành miệng tạo lòng máng (có tìm thấy trong các di tích mộ táng), bên ngoài phủ văn thừng đập chéo từ cổ tới miệng, còn ở Cần Giờ hiện diện ở chum mai táng muộn Giồng Phệt rất phổ biến, là dấu ấn kỹ thuật nặn gốm bằng cách đạp phôi gốm lên khuôn. Trong giai đoạn tiếp theo, gốm ở Gò Ô Chùa và gốm ở Cần Giờ đã mang những yếu tố văn hóa Óc Eo một cách khá rõ ràng, thể hiện quá các kiểu bếp (cà ràng) minh khí và gia dụng, chân đế trổ lổ, các kiểu núm gốm hình tháp nhọn, hình hoa, hình sao, các trụ đế hình “con tiện” ở Cần Giờ. Là bình cổ thắt, chạc gốm, nắp có vành móc hay núm cầm, vòi ấm (ken đi),.. và nhiều kiểu hoa văn in đập hay vạch từ que nhiều răng thành hình sóng nước, hình nửa vòng tròn đối đầu nhau được vẽ bằng qua một răng hay nhiều răng ở Gò Ô Chùa [Vương Thu Hồng, 2008, tr129.]. Nếu xét về loại hình mộ táng, giữa các di tích này cũng có nhiều điểm tương đồng. Ở Giồng Cá Vồ đã phát hiện rất nhiều mộ chum, vò và cả mộ đất, trong đó mộ chum là chủ yếu. Mộ vò ở Gò Ô Chùa hiện đã phát hiện chỉ được dùng để chôn trẻ em, trong khi trong mộ ở Giồng Cá Vồ thì tỉ lệ trẻ em có nhưng không nhiều bằng người lớn. Xung quanh vò ở cả hai di tích đều có hiện tượng có huyệt tròn. Vò ở Gò Ô Chùa thường là vò tròn, thấp, có nắp đậy. Ở Giồng Cá Vồ, ngoài loại chum hình trụ thon dài, cũng có loại chum hình cầu, đáy tròn, miệng khum. Mộ chum, vò ở Giồng Cá Vồ thường được gia cố nền đất [Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thế Phong, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998, tr113] một đặc trưng của mộ chum Giồng Cá Vồ - Giồng Phệt so với mộ chum ở cả khu vực Đông Nam Á, không thấy ở di tích Gò Ô Chùa. Đến năm 1998, ở Giồng Cá Vồ phát hiện được 10 ngôi mộ đất, chôn phổ biến ở độ sâu 0,35-0,8m, các mộ ở đây cũng không có dấu vết biên mộ. Hướng mộ chủ yếu là các hướng đông nam – tây bắc, đông – tây,… Di cốt cũng được chôn nằm ngửa, tay duỗi thẳng như đa số trường hợp Gò Ô Chùa. Đồ tùy táng đặt cũng thường được đặt 2 bên sọ hoặc cạnh hông [Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thế Phong, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998, tr116-117]. Đồ tùy táng gồm có mâm bồng, rìu đồng, nồi gốm, chậu,…đều là những hiện vật tùy táng có thể tìm thấy trong những mộ táng ở Gò Ô Chùa. Tuy nhiên trong các đồ tùy táng ở Giồng Cá Vồ nổi bậc lên là đồ trang sức với sự phong phú và đa dạng về số lượng và loại hình, thể hiện được đời sống vật chất - tinh thần của cư dân vùng cảng này có vẻ như là cao hơn so với cư dân Gò Ô Chùa, những người láng giềng trong giai đoạn vài trăm năm trước và sau công nguyên. Ở Giồng Phệt cũng tìm thấy nhiều mộ đất ở độ sâu khoảng 0,30- 0,50m, những ngôi mộ này cũng không tìm được biên mộ. Di cốt cũng được chôn nằm ngửa đầu quay theo hướng đông nam (chủ yếu). Đồ tùy táng thường là những nồi gốm, chân đế hình trụ đặt ở hông và vai, đặc biệt là răng nanh lợn rừng được sỏ lổ đeo như đồ trang sức,… [Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thế Phong, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998, tr201, 209]. Tuy có nhiều điểm chung như vậy nhưng những kết quả nghiên cứu nhân chủng cho thấy cư dân ở Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ là những cư dân Mogoloid mà những yếu tố của loại hình Đông Nam Á thể hiện rõ hơn những nét Indonesien [Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thế Phong, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998, tr298].
Khá giống, tương đương và muộn hơn với giai đoạn muộn của Gò Ô Chùa ở khu vực đồng bằng Tây Nam Bộ có di tích Gò Cây Tung. Tổng số mộ đất có thông tin và được công bố đến nay ở Gò Cây Tung là trên 28 mộ. Đặc điểm chung của kiểu táng thức ở di tích Gò Cây Tung là người chết được chôn trực tiếp xuống đất, tư thế nằm cũng là nằm ngửa, nhưng chống chân (gần nằm co) khác với Gò Ô Chùa là nằm ngửa thẳng, phần lớn chôn theo hướng Tây – Đông (đầu quay về hướng Tây, hoặc lệch đôi chút [Đỗ Ngọc Chiến, 2009, tr34].
Trong di tồn mộ táng di tích Gò Cây Tung, các vật là đồ tùy táng là đồ trang sức có tìm thấy nhưng không nhiều, được chế tác bằng xương thú hay đá trắng. Phần lớn các mộ đều có hiện tượng chôn theo xương động vật, chủ yếu xếp xung quanh đầu, hai bên vai và cánh tay, đáng chú ý là việc chôn theo xương hàm và chân giò heo tương tự như trường hợp Gò Ô Chùa. Ngoài ra còn có hiện tượng rải gốm trong các mộ [Đỗ Ngọc Chiến, 2009, tr35].
Văn hóa Sa Huỳnh vốn được biết đến với thức mai táng dùng quan tài là nồi, vò, chum bằng đất nung suốt từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Trong mộ chum ở Sa Huỳnh, rất ít phát hiện được di cốt còn nguyên như trường hợp Gò Ô Chùa, đặc biệt, với những phát hiện hiện tại, có vẻ như những ngôi mộ vò ở Gò Ô Chùa chỉ dùng để táng trẻ em, còn trong văn hóa Sa Huỳnh, không có sự phân biệt này. Tại một số địa điểm như Long Thạnh, Bàu Trám (Tiền Sa Huỳnh), Hậu Xá, Gò Mả Vôi, Bình Châu… (Sa Huỳnh), bên cạnh mộ chum còn thấy mộ đất, song không phổ biến. Mộ đất văn hoá Sa Huỳnh tồn tại từ giai đoạn sớm cho đến muộn, nhưng chủ yếu xuất hiện nhiều trong những thế kỷ sau Công nguyên. Mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh luôn nằm cùng khu mộ táng với những ngôi mộ chum/nồi/vò, giống như hiện tượng ở Gò Ô Chùa và Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt. Những ngôi mộ đất này được chôn thẳng vào trong đất cát ( vốn bở, rời) vì vậy khó còn giữ được nguyên vẹn. Tại Bình Châu, một di tích Tiền Sa Huỳnh, dấu hiệu các mộ được ghi nhận là những nhóm đồ gốm đặt gần nhau, úp miệng xuống đất [Hán Văn Khẩn, 2008, tr206]. Đồ tuỳ táng đặt bên trong, bên ngoài, dưới đất hay ngay trên nắp chum. Hiện tượng làm biến dạng đồ tuỳ táng thường hay gặp song không phải là quy luật bắt buộc cho tất cả các nơi. Đồ tùy táng trong văn hoá Sa Huỳnh rất phong phú về chất liệu và đa dạng về loại hình. Chất liệu kim loại đồng, sắt, vàng, bạc, chất liệu thuỷ tinh nhân tạo, tự nhiên, chất liệu đá quý mã não, ngọc, cẩm thạch… đồ gốm có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, đa dạng hình loại và nhiều kiểu thức đồ án trang trí, bao gồm năm nhóm cơ bản: đồ gia dụng, công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức và đồ minh khí. Nổi bật nhất trong văn hoá Sa Huỳnh là bộ công cụ và vũ khí bằng sắt. So với các trung tâm văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, văn hoá Đồng Nai ở phía Nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi của đồ sắt trong văn hoá Sa Huỳnh có phần vượt trội. Mặc dù những ngôi mộ ở Gò Ô Chùa có niên đại khá muộn nhưng số lượng hiện vật sắt tìm thấy cũng không nhiều. Sự ít ỏi của đồ sắt trong các lớp văn hóa cũng như đồ tùy táng có thể được xem là một truyền thống của các di tích khảo cổ khu vực phía Nam giai đoạn tiền – sơ sử.
Ở các di tích Xóm Rền, Khu Đường, Nghĩa Lập,… thuộc văn hóa Phùng Nguyên, người chết thường được chôn trong các hố nông của lớp đất cái. Người chết được chôn nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng. Cư dân cổ Phùng Nguyên và một số cư dân thời đại đá mới ở Trung Quốc có một tập tục cổ xưa là nhổ răng, trường hợp như vậy cũng đã được tìm thấy ở người cổ Gò Ô Chùa (mộ 05.GOC.TS.F31) [Vương Thu Hồng, 2008, tr125]. Đồ tùy táng có các loại rìu đá, nha chương, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi và đồ gốm... Đặc biệt ở Lũng Hòa còn tìm thấy xương hàm lợn [Hán Văn Khẩn, 2008, tr190] giống như hiện tượng Gò Ô Chùa.
Mộ táng trong văn hóa Đồng Đậu ít được phát hiện nghiên cứu. Tài liệu về mộ táng giai đoạn này có thể kể đến di tích Thành Dền. Người chết ở đây cũng được chôn nằm ngửa, trên những nền đất sét vàng nên chặt hình chữ nhật. Một số trường hợp cẳng chân người chết không duỗi thẳng mà để gấp lên phía đùi kiểu bó gối [Hán Văn Khẩn, 2008, tr198]. Nhìn chung là không có nhiều điểm chung với táng thức ở hai di tích mà chúng ta đang xét, nhưng tạm thời chưa thể đưa ra kết luận vể trường hợp này, vì nguồn tài liệu còn quá ít.
Xã hội Đông Sơn đã ở vào một giai đoạn phát triển cao, khi đó, những con người này đã có khu mộ táng riêng, nằm xa khu vực cư trú bên cạnh hình thức mộ táng – cư trú. Loại hình mộ táng ở đây phổ biến có mộ thuyền và mộ đất. Loại hình mộ thuyền là một nét đặc biệt phản ánh tư duy sông nước của cư dân vùng đồng bằng 3 con sông Hồng, Mã ,Cả; nhưng điều là lạ cư dân cổ An Sơn và Gò Ô Chùa vốn sống trong môi trường sông nước, đầm lầy, di chuyển bằng thuyền là một lựa chọn gần như tất yếu vậy tại sao không thấy có hiện tượng táng bằng thuyền? điều này cần phải có thời gian để tìm hiểu thêm. Mộ đất thường được chôn trực tiếp xuống đất, không có quan tài. Trong mộ số di tích ở khu vực sông Cả, còn có loại hình mộ vò, mộ vò này cũng giống như trường hợp Gò Ô Chùa, được dùng để chôn trẻ em, nhưng cách thức chôn lại khác, những chiếc vò thường được chôn nằm ngang, có trường hợp nối nhiều chiếc vò lại với nhau, trong khi những chiếc vò ở Gò Ô Chùa đều được chôn đứng. Điều này thể hiện ró tính chất thích nghi ứng biến can con người từng vùng, cùng là sự ảnh hưởng của hình thức táng bằng chum nhưng cư dân Gò Ô Chùa lại có cách sử dụng khác, cư dân Đông Sơn lại có cách biến đổi khác. Đồ tùy táng là những đồ minh khí hoặc đồ đã được dùng nhưng phải trải qua “nghi lễ hạ sát”, bẻ cong, gãy các hiện vật đồng, sắt, đập vỡ hay bẻ gãy miệng các đồ gốm,... [Hán Văn Khẩn, 2008, tr223 – 224]. Những hiện tượng này ở miền Nam mới chỉ thấy ở di chỉ Dốc Chùa, còn các di tích như An Sơn, Gò Ô Chùa, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt hiện chưa tìm thấy. Đặc biệt sự phân biệt vể số lượng đồ tùy táng giữa các mộ rất cao, thể hiện sự phân hóa xã hội trong cộng đồng cư dân ở đây là rất lớn.
Quay lại khu vực miền Nam, phía bên kia bờ biên giới hành chính quốc gia, hẳn còn những di tích có loại hình mộ táng tương tự như An Sơn, Gò Ô Chùa. Vùng đồng bằng Campuchia giáp với Việt Nam, có điều kiện địa lý tương tự như vùng Long An, vốn không vị phân chia bởi đại lý hành chính vào giai đoạn tiền – sơ sử hoặc vùng Đông Bắc Thái Lan, vùng thượng nguồn con sông Mê Kông, đã từng có nhiều di tích được xem là có mối quan hệ với các di tích ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng người viết chưa thể tiếp cận những nguồn tư liệu về các vùng này nhưng chắc là những di tích loại hình mộ táng tương tự có tồn tại và cần được nghiên cứu rõ hơn mới có thể có được cái nhìn tổng quát và chính xác hơn về mộ táng ở Nam Bộ.
Từ những tư liệu chính là mộ táng ở An Sơn và Gò Ô Chùa, trong cái nhìn so sánh với các di tích mộ táng khác ở Nam Bộ và cả Việt Nam, ta có thể có cách hình khái quát về mộ táng ở Long An, Nam Bộ như sau:
Có thể nói rằng táng thức bằng mộ đất (có thể có hoặc không có huyệt mộ), với di cốt nằm ngửa, duỗi thẳng là một đặc trưng của mộ táng thời kim khí ở Long An, và cả Nam Bộ. Trong một số di tích ở vùng ven biển như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Gò Cây Tung có thể ảnh hưởng của một số yếu tố từ bên ngoài có thể có thêm một vài nét khác biệt. Đặc trưng này cũng có thể là một đặc trưng táng thức của cư dân nông nghiệp nói chung, vì nó không chỉ có ở miền Nam mà còn có trong các di tích ở miền Bắc. Những ngôi mộ ở đây còn có hiện tượng rải gốm (hoặc đá, nhưng ít phổ biến) xung quanh di cốt
Tuy nhiên trong những cộng đồng cư dân sống ở khu vực phía Nam này những quy tắc táng thức có vẻ như chưa được chặt chẽ, hiện tượng táng với nhiều hướng mộ khác nhau, cắt phá giữa các mộ vẫn còn phổ biến, điều này có thể là do điều kiện địa hình chi phối. Bên cạnh việc phổ biến hình thức đơn táng, đã có sự xuất hiện những hình thức song táng, cải táng, đó có thể là biểu hiện của việc phổ biến hình thức gia đình theo quan hệ máu mủ, là một đơn vị trong cộng đồng không còn là một thị tộc nói chung.
So với các di tích trong văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, những di tích ở Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung có phần “nghèo” hơn về số lượng cũng như loại hình đồ tùy táng, nhất là những đồ tùy táng bằng kim loại, thủy tinh. Tuy nhiên hầu hết những hiện vật tùy táng ở Nam Bộ đều là những vật dụng còn có thể sử dụng, không phải là đồ minh khí, cũng không có hiện tượng phá hủy rồi mới chôn vào mộ (trừ một số ít ở Dốc Chùa). Đồ tùy táng chủ yếu là các loại hình đồ đựng bằng gốm (nồi, bát bồng, đĩa,…) ở các di tích muộn, có thể có thêm hiện vật kim loại, thủy tinh, đá quý. Đồ tùy táng giữa các mộ có sự chênh lệch về số lượng cũng như loại hình (nhưng nếu so với Đông Sơn, sự chênh lệch này còn cao hơn), thể hiện sự phân hóa xã hội đã xuất hiện trong cộng đồng.
Vượt ra ngoài khu vực Nam Bộ, những cư dân cổ An Sơn và Gò Ô Chùa và cư dân cổ sống trên vùng đất Long An nói riêng, cư dân vùng Nam Bộ nói chung có thể đã thiết lập mối quan hệ với khu vực miền Trung, miền Bắc, và khu vực Đông Nam Á,…những mối quan hệ này cần có thời gian để nghiên cứu mới có thể khẳng định chắc chắn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Phát Diệm, Andreas Reinecke, Nguyễn Xuân Mạnh, Văn Ngọc Bích, (2004), Báo cáo khai quật di tích gò Ô Chùa năm 2003 (Hưng Điền A – Vĩnh Hưng – Long An), Hà Nội.
2. Đặng Văn Thắng - Vũ Quốc Hiền - Nguyễn Thị Hậu - Ngô Thế Phong - Nguyễn Kim Dung - Nguyễn Lân Cường (1998), Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Thành phố Hồ Chí Minh, nxb, Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
3. Đặng Văn Thắng, Võ Thị Ánh Tuyết, Văn Ngọc Bích (2009), Báo cáo khai quật di chỉ Gò Ô Chùa. Trường KHXH &NV Tp HCM – Bảo Tàng Long An.
4. Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ (1993), Địa điểm khảo cổ học Dốc Chùa, nxb KHXH, Hà Nội.
5. Đỗ Ngọc Chiến (2009), Di tích khảo cổ học Gò Cây Tung, Luận văn Thạc sĩ, Trường KHXH &NV Tp HCM.
6. Hà Thị Kim Chi (2007), Gốm An Sơn, Khóa luận tốt nghiệp Trường ĐH KHXH &NV Tp HCM, tr 64-65.
7. Hán Văn Khẩn (chủ biên) (2008) Cơ sở khảo cổ học, nxb ĐH QG Hà Nội.
8. Lê Trung Khá (1978a), Báo cáo sơ bộ về các di cốt động vật ở hai di tích khảo cổ học An Sơn và Rạch Núi (Long An), NPHKCHOMN, Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Lê Trung Khá (1978b), Di cốt người cổ ở An Sơn, NPHKCHOMN, Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Lê Xuân Diệm (1978), Khai quật An Sơn (Đức Hoà-Long An), NPHKCHOMN, Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.
11. Lê Xuân Diệm (1984), Về các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, VHOE & CVHCĐBSCL, Sở Văn hóa và Thông tin An Giang xuất bản.
12. Lê Xuân Diệm, Phạm Quang Sơn, Bùi Chí Hoàng (1991), Khảo cổ Đồng Nai, Nxb. Đồng Nai.
13. Ngô Thế Phong – Bùi Phát Diệm (1997), Báo cáo khai quật di chỉ gò Ô Chùa năm 1997 (Hưng Điền A – Vĩnh Hưng – Long An), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Bảo tàng Long An
14. Ngô Thế phong, Bùi Phát Diệm (2001), Khai quật di tích Gò Ô Chùa (Long An), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thông báo khoa học, Hà Nội.
15. Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm (2005), Di chỉ gò Ô Chùa (Long An) – tiền Óc Eo hay Óc Eo?, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập II, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
16. Nguyễn Địch Vĩ, Đinh Văn Thuận (2004), Lịch sử phát triển cổ địa lý trong kỷ đệ tứ ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn Hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, nxb Thế Giới,tr 11-27.
17. Nguyễn Đình Tân (chủ nhiệm) và nhóm thực hiện (2005), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, “Di chỉ khảo cổ học An Sơn (Đức Hòa – Long An)”, trường ĐH KHXH & NV Tp HCM.
18. Nguyễn Khánh Trung Kiên (2008), Mộ táng trong di tích Cù Lao Rùa (xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, MSVĐKCHOMNVN, tập 3, tập 87-136.
19. Nguyễn Lân Cường (2004), Di cốt người cổ ở Nam Bộ. Kỷ yếu hội thảo Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, xnb Thế Giới, tr177-199.
20. Nguyễn Lân Cường (2006), Về những di cốt người cổ ở An Sơn lần khai quật thứ 3, tạp chí Khảo cổ học số 6/2006, tr39-41.
21. Nguyễn Quang Miên, Phạm Lý Hương (2004), Niên đại xác định bằng phưong pháp carbon phóng xạ trong khảo cổ học Việt Nam. In trong MTKKCHVN, tập 1, nxb KHXH, , tr 238-256.
22. Nguyễn Thị Kim Dung (2007), Di chỉ Giồng Nổi Bến Tre trong nền cảnh khảo cổ học tiền sử - sơ sử vùng Nam Bộ, Tạp chí khảo cổ học số 2/2007 tr 86-95.
23. Nguyễn Xuân Mạnh, Andreas Reinecke, Bùi Phát Diệm (2005), Báo cáo khai quật di tích Gò Ô Chùa lần thứ III - 2005, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Viện KCH về các nền văn hoá bên ngoài Châu Âu, Viện KCH quốc gia Đức - Bảo tàng Long An.
24. Nishimura Masanari và Nguyễn Kim Dung (1997), Khai quật An Sơn : Địa điểm đá mới ở trung lưu sông Vàm Cỏ Đông, miền Nam Việt Nam. Tư liệu bảo tàng Long An.
25. Nishimura Masanari, Bùi Phát Diệm, Vương Thu Hồng và Nguyễn Kim Dung (1998), Khai quật An Sơn (Đức Hòa, Long An) lần thứ hai (tháng 3-1997), Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1997, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
26. Phạm Quang Sơn (1984), “Một số đặc trưng của văn hóa đá mới ở Nam Bộ”, VHOE & CVHCĐBSCL, Long Xuyên.
27. Phạm Quang Sơn, Nguyễn Quốc Mạnh (2006), Báo cáo khai quật di tích khảo cổ học An Sơn (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) – năm 2004-2005, TP. Hồ Chí Minh, Tư liệu Bảo tàng Long An.
28. Phạm Quang Sơn (2008), Khai quật di chỉ Gò Me (Nhơn Trạch – Đồng Nai). MSVĐKCHOMNVN, tập 3, nxb KHXH.
29. Phạm Quang Sơn (2008), Những nhận thức mới qua đợt khai quật An Sơn lần thứ 3 năm 2004. MSVĐKCHOMNVN, tập 3, nxb KHXH.
30. Trần Anh Dũng, Lại Văn Tới (2007), Di chỉ Giồng Nổi (Bến Tre) qua 3 lần khai quật, Tạp chí Khảo cổ học số 2/2007, tr 28-42.
31. Vũ Thế Long (2007), Di tích người và động vật trong di chỉ Giồng Nổi, Tạp chí khảo cổ học số 2/2007, tr48 - 57.
32. Vương Thu Hồng – Đào Linh Côn và nhóm thực hiện (1996), Đề tài “Đánh giá hiện trạng và hệ thống hóa các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Long An”.
33. Vương Thu Hồng (1997), Niên đại C14 của những di tích khảo cổ học tiêu biểu ở Long An, MSVĐKCHOMNVN, nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 234 - 241.
34. Vương Thu Hồng (2006a), Hiện vật trang sức phát hiện ở Gò Ô Chùa – Long An, năm 2005, NPHMVKCH 2005, nxb KHXH.
35. Vương Thu Hồng (2006b), Niên đại C14 của một số di tích khảo cổ học ở tỉnh Long An, NPHMVKCH 2005, nxb KHXH.
36. Vương Thu Hồng (2008), Di tích Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng – Long An), Luận văn Thạc sĩ sử học, Trường ĐH KH XN & NV – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
atena
atena
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 125
Join date : 20/07/2009
Age : 35

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết