khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
THÀNH MỸ THO I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


THÀNH MỸ THO

Go down

THÀNH MỸ THO Empty THÀNH MỸ THO

Bài gửi by Đinhnam Sat Jun 26, 2010 7:16 am

THÀNH MỸ THO


Sử liệu và dấu tích

Định Tường trước đặt lỵ sở tại Tân Lý Tây nay là Châu Thành –Tiền Gang, ở đây dựng một đồn nhỏ, đến năm 1792 Nguyễn vương dời lỵ sở về làng Mỹ Chánh, đặt ở gần chợ Mỹ Tho (nay là Chợ Cũ). Thành Trấn Định được xây sau khi xây thành Gia Định, quy mô chỉ nhỏ hơn Gia Định thành chút ít. Thành Trấn Định đặt gần với chợ Mỹ Tho. Đến đời Minh Mạng năm 1826 thì cho dời lỵ sở về làng Điều Hòa và Bình Tạo. Thành cũ từ đó trở nên hoang phế, còn thành mới thì có chu vi nhỏ hơn thành Trấn Định.

Thành Mỹ Tho theo những tài liệu ghi lại thì nó được xây theo kiểu Âu châu, Vaubanl, một kiểu thành thường thấy dưới thời Nguyễn. Thành được đắp bằng đất, chu vi 320 trượng, cao 9 thước, 5 tấc mở bốn cửa, hào rộng 8 trượng sâu sáu thước 5 tấc ở địa phận hai thôn Điều Hòa và Bình Biên huyện Kiến Hưng. Thành mới này chỉ cách thành cũ Trấn Định khoảng một dặm về phía đông. Thành Mỹ Tho cũng như các thành khác ở các tỉnh thời Nguyễn, đắp đất, có quy mô nhỏ với tư cách là một lỵ sở nơi đặt cơ quan quản lý hành chính của tỉnh là chính yếu.

Những người Pháp tam gia trong trận chiến năm 1861 ở Mỹ Tho có mô tả về thành Mỹ Tho, tương đối thống nhất với các tài liệu của triều Nguyễn, “thành Mỹ Tho xây cất theo lối Âu Châu, thành vuông vức có ụ làm pháo đài. Hào chung quanh rộng có nước, tường thành cao và rất dày vài nơi chung quanh thành là đầm lầy vì vậy sức phòng thủ do công trình nhân tạo còn có thiên nhiên hỗ trợ nữa,…thành kiểm soát hết sông Tiền Giang và các đường thủy đổ vào sông này. Do đó thành có vị trí chiến lược quan trọng”[1]. Như vậy người Pháp không những cho biết về diện mạo của thành mà còn đánh giá vị trí quan trọng của thành. Thành Mỹ Tho được xây dựng được theo quy cách của một công trình quân sự có hào nước hộ thành có ụ làm pháo đài và đặt súng thần công để trấn giữ.

Ngoài những công trình nhân tạo để hộ thành ở đây còn có những công trình tự nhiên cũng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ thành. Đó là con kênh Bưu Điện , Thương Mại và cả sông Tiền nữa. Bởi nên thế của thành rất hiểm trở có thể tiến thoái trong trận chiến được nhờ vào những con sông xung quanh. Công thì những con kênh này là con đường thuận tiện còn thủ thì chúng trở thành những hào tự nhiên, một vật cản khó vượt qua và cũng có thể rút lui an toàn theo những sông này.

Ngày nay thành không còn nhưng vị trí của thành có thể xác định được. Thành nằm lọt vào trong thành phố Mỹ Tho, có thể xác định giới hạn trong các con đường: khoảng từ đường Lê Lợi, đường 30 tháng 4, đường Nam Kì Khởi Nghĩa và đường Ngô Quyền thành phố Mỹ Tho. Tình trạng của thành cũng giống như thành Gia Định không còn dấu tích gì cả.

Cấu trúc thành Mỹ Tho

Thành được xây ở vị trí gần với sông Mỹ Tho ở phía đông nhưng phía nam lại gần với sông Tiền Giang, đây là một vị trí chiến lược nên thành có một vai trò hết sức quan trọng trong vùng. Những tư liệu còn lại cho phép biết được về cấu trúc của thành. Thành hình vuông chu vi là 320 trượng. Chiều cao của tường thành khoảng 9 thước 5 tấc. Xung quanh thành được mở bốn cửa, trên mỗi cổng thành được dựng vọng đài nhỏ lợp ngói. Dưới chân thành là hào, nối với thành là cầu gỗ. Bên trong thành lại bố trí vọng canh.

Theo những gì ghi chép của người Pháp về cách xây thành của người An Nam thì có thể thấy thành Mỹ Tho ngoài những đặc điểm như thành cấu trúc hình Vaubanl, mở bốn cửa thì nó còn cấu tạo như sau.

Tường thành làm bằng đất, đất có thể che chở cho pháo thủ vừa lẫn che cho súng. Để tường thành được cứng chắc thì đất đắp thành phải được đào từ mùa mưa, sau sáu tháng sẽ cứng chắc. Khi đắp thành để đảm bảo độ chắc của thành lẫn độ cao của tường thì bên trong tường thành người ta làm hệ thống sườn bằng gỗ ghép chéo nhau. Vì đất cứng, tường có cốt gỗ đỡ nên thành không cần có trụ đỡ, không cần sắt, thép, không trồng cỏ mà thành vẫn chắc. Một điều quan trọng là vẫn đảm bảo được mặt ngoài của tường thành vẫn thẳng tắp, đây là yếu tố quan trọng của thành để đảm bảo địch không thể leo thành được hoặc khi ném lựu đạn khó vượt qua được. Mặt ngoài tường thành còn trang bị thêm tre gai để làm rào. Lớp tre này rất dày, chúng như lông nhím làm địch không thể áp sát mặt thành được. Tre chỉ cắm hờ trên đất nên không thể dựa vào thân tre để mà leo lên thành được. Hơn nữa trên mặt thành còn được trang bị một hàng rào bắt chéo nhau bằng gỗ, những thanh gỗ này được cắm vào thành cho vững chắc.

Một cấu trúc quan trọng để bảo vệ thành nữa là hào hộ thành. Hào được đào gần chân thành, bên trong có nước. Hào ở thành Mỹ Tho có rất nhiều nước và sình lầy, dưới hào lại có hầm chông là chướng ngại khó lòng vượt qua được. Hào ở thành rộng 8 trượng, sâu 6 thước, 5 tấc[2].

Đối với bệ bắn thì thành “không có bệ bắn lớn bên trong để giúp mở rộng thêm góc bắn, nhất là tại ụ bắn. Tường thành có đục lỗ châu mai nhưng mặt nở rộng lại ngược với lỗ châu mai của thành quách Âu châu. Các sĩ quan pháo binh đều nhận thấy điều này, một số kĩ sư cho rằng các lỗ châu mai như thế rất hợp lý”[3]

Trên con đường chính đi từ Gia Định đến thành Mỹ Tho bằng đường thủy là kênh Bưu Điện, con sông này được bảo vệ ngoài những chướng ngại trên sông còn có những đồn trấn hai bên sông. Trên hai bờ sông bố trí 6 đồn tất cả, những đồn này bố trí cách khoảng tùy ý không đều nhau tùy vào vị trí chiến lược ở mỗi nơi mà có hai đồn gần nhau cũng có nơi đồn xa nhau hay cùng một bên hoặc bố trí hai bên bờ sông. Những đồn này được xây cất trên bùn, chung quanh được đào hào, trong hào có rất nhiều bùn, nước sâu đến hai thước. Mỗi đồn được đục 12 lỗ châu mai. Bên cạnh đó chung quanh đồn còn có bàn chông, cọc nhọn, địch muốn công đồn trực tiếp rất khó khăn chỉ có thể bắn từ xa tới. Những đồn khác đều có cấu tạo như vậy, nó có cấu tạo như thành nhưng ở quy mô nhỏ để bảo vệ con đường xung yếu đến Mỹ Tho.

Vị trí, chức năng của thành trong khu vực.

Vị trí của thành Mỹ Tho

Thành Mỹ Tho được xây dựng từ năm 1826 dưới đời Minh Mạng, thành có một ví trí quan trọng đối với khu vực vì những lý do sau.

Mỹ Tho vào thế kỉ XVIII là một Đại phố, một thương cảng mua bán lớn ở miền nam, một đô thị phồn hoa đô hội. Đó là một trung tâm kinh tế lớn, Mỹ Tho cũng từng là vựa lúa lớn của cả vùng Nam kỳ, thậm chí còn là nơi đặt công khố chung của các dinh gọi là “ tứ dinh công khố”. Sở dĩ như vậy là vì Mỹ Tho là một vựa lúa một trung tâm kinh tế phát triển nên có thể đảm bảo được lương thực, tiền bạc, vật chất cho cả vùng được ổn định. Với vị trí chiến lược của Mỹ Tho như vậy thì vai trò của Mỹ Tho là vô cùng quan trọng. Có thể nói Mỹ Tho là nơi đảm bảo lương thực cho việc quân của đất Nam bộ. Đó là nhiệm vụ trước tiên mà thành Mỹ Tho phải đảm nhiệm công việc này. Ngay từ thời các chúa Nguyễn đã thấy vị trí chiến lược này nên Nguyễn Ánh đã cho xây một thành Trấn Định chỉ nhỏ hơn thành Gia Định thôi để đảm bảo được nguồn lương.

Trong lịch sử thời Nguyễn thì bang giao giữa Đại Nam và Cao Miên có nhiều vấn đề nhất là Cao Miên bị Xiêm lợi dụng mà xâm lấn cương giới của ta. Trong quá trình mở cõi chúa Nguyễn luôn chú trọng biên giới phía tây này, cho lập ở vùng tiếp giáp với Cao Miên các bảo ở thượng nguồn sông Tiền để canh giữ. Sử còn ghi Nguyễn Cư Trinh đã xin lập hai đồn ở Tân Châu và Hùng Ngự để phòng khi Miên xâm phạm bằng đường sông Tiền. Các bảo Trấn Nguyên, Thông Bình, Tuyên Uy, Hùng Ngự ở thượng lưu là địa đầu quan yếu. Hơn nữa ở địa đầu tỉnh Định Tương là nơi tiếp giáp sông Vũng Gù, từ đây đến đạo Tuyên Uy, giáp với Cao Miên khoảng 40.450 tầm, ngược lại từ địa đầu này đi xuống 36.245 tầm thì đến của biển Lôi Lạp[4]. Như vậy từ Mỹ Tho có thể nhanh chóng đi lên Tuyên Uy nhưng cũng có thể nhanh chóng xuống của biển mỗi khi có biến. Bởi nên việc xây thành trấn giữ ở Mỹ Tho là một lẽ để có thể canh giữ được cương thổ phía tây nhất là con đường thủy, sông Tiền nối liền Cao Miên đi qua Nam Kỳ và đi ra biển rất thuận tiện và là con đường chiến lược trong quân sự. Hơn nữa thành Mỹ Tho được đặt gần sông Tiền lại gần về Hạ lưu của sông. Ở cửa biển của sông này đều có đặt pháo đài để canh giữ mặt biển. Các pháo đài Ba Lai, Tiểu, Đại đều là then khóa mặt biển. Thành Mỹ Tho ở cách không xa nên có thể chi phối dễ dàng các pháo đài ở miền biển này. Đầu và cuối của sông Tiền đều có bảo trấn giữ, thành Mỹ Tho ở vị trí gần giữa của con đường này, rõ thành ở vị trí đắc địa, trung tâm, nơi co thể chi phối, viện trợ thượng nguồn và hạ nguồn sông Tiền.

Nếu lấy Gia Định làm trung tâm của miền nam thì từ Gia Định cũng có thể nhanh chóng đi đến Mỹ Tho bằng con kênh nối từ Vàm Cỏ và Sồng Tiền. Đồng thời từ Mỹ Tho cũng có thể đi xuống Chợ Gạo, Gò Công được và cũng có thể ngược dòng lên miệt Cai Lậy, Cái Bè và cũng có thể đi được sang các tỉnh miền tây bằng đường thủy thuận tiện. Thành Mỹ Tho ở ví trí này đã kiểm soát hết sông Tiền và các con sông khác, người Pháp cũng nhận định Mỹ Tho là “điểm phòng thủ cuối cùng của An Nam về phía Cao Miên”[5]. Thành Mỹ Tho ở vị trí trung tâm có thể di chuyển đến nhiều vị trí xung yếu đông tây, nam, bắc được dễ dàng nhất và nhanh chóng.

Thành Mỹ Tho có vị trí chiến lược nữa là vì nó nằm ở vị trí có lợi trong quân sự. Thành đặt tại thôn Điều Hòa và Bình Biên nay thuộc thành phố Mỹ Tho. Từ Gia Định có thể theo con đường sông Vàm Cỏ đến rạch Vũng Gù vào sông Bảo Định là có thể đến thành Mỹ Tho đây là con đường cực kỳ quan trọng. Nó đi quan nhiều vùng đất trù phú của Sài Gòn lẫn Mỹ Tho. Vì vậy mà trên sông này được bố trí nhiều đập cản và các đồn thủ trấn hai bên bờ sông để bảo vệ tuyến đường này. Hơn nữa ở hậu tuyến của thành có con kênh Thương Mại cách đó khoảng 80 dặm, đây là con kênh thuộc hậu tuyến của thành cũng có vai trò khá trọng yếu. Thành Mỹ Tho lại nằm sát với sông lớn Tiền Giang, từ thành có thể ngược dòng lên Cao Miên các tỉnh khác, hoặc xuôi dòng ra biển được. Thành Mỹ Tho chỉ cách đường cái quan không xa, khoảng 2000 thước[6] nên bằng đường bộ cũng có thể liên hệ nhanh chóng với các nơi khác như Gia Định, xa hơn là Kinh đô. Rõ thành ở vị trí thật hiểm trở trước sau đều có con đường để đi, chúng cho phép tiến lui dễ dàng khi có chiến sự.

Tóm lại thành Mỹ Tho đặt ở vị trí vừa có vai trò quan trọng trong kinh tế lẫn có vai trò chiến lược trong quân sự.

Chức năng của thành

Từ cấu trúc của thành như thành cao, hào sâu bố trí nhiều bàn chông, lỗ châu mai, đặt pháo trên thành để thủ, bốn góc thành đều có pháo đài (đời Gia Long đã cho đặt đại bác trên thành, bắn thử sang đối ngạn xa 10 dặm cây rừng đều gãy nát). Bên ngoài thì bố trí 6 đồn trấn ven sông, nó có tính chất kiên cố, lâu dài và cả những đập chắn ngang sông. Bên trong thành thì dự trữ kho lương và tiền bạc mà khi người Pháp vào thì gạo đã cháy hết và tiền thì đã bị đứt dây. Thành lại ở một vị trí xung yếu đối với biên giới Cao Miên và mặt biển lẫn Gia Định và các nơi xung quanh. Từ đó mà có thể nhận thấy thành Mỹ Tho được xây với chức năng quân sự, vừa là nơi trữ lương, vừa là nơi chi viện cho chỗ khác. Tuy nhiên thành cũng là một trung tâm hành chính, lỵ sở của tỉnh. Thành Mỹ Tho vừa giữ chức năng hành chính và cả chức năng quân sự.

Thành Mỹ Tho được xây dựng ở một trung tâm kinh tế quan trọng của Nam bộ, nó lại có một vị trí quan trọng về mặt quân sự đối với vùng biên giới phía tây và mặt biển, đồng thời nó có vai trò như là một kho lương chung của cả vùng. Vì thế mà có thê xem thành Mỹ Tho có chức năng quân sự, dù có chức năng quân sự nhưng cũng không phải không có chức năng hành chính. Thành là lỵ sở của tỉnh nơi tập trung những cơ quan hành chính của Định Tường.

TỪ THÀNH MỸ THO SUY NGHĨ VỀ CUỘC TẤN CÔNG NĂM 1861

Hệ thống phòng thủ của thành

Để đến được thành Mỹ Tho thì có ba con đường chính, ngoại trừ con đường quan lộ nối liền Gia Định thành và các tỉnh. Ba con đường đến thành Mỹ Tho đều là đường thủy cả.

- Một: đường thuận lợi và rộng nhất là đường theo cửa Tiểu, cửa Đại ngược dòng lên đến Mỹ Tho. Tuy nhiên con đường này nếu từ Gia Định đến thì là con đường vòng, tốn nhiều thời gian.

- Hai: đường theo sông Vàm cỏ đến sôngVũng Gù, nơi đầu là địa giới Định Tường. Con sông này nối liền Tân An và Mỹ Tho rồi đổ ra sông Vàm cỏ , theo sông Vàm Cỏ thì có thể tới Gia Định. Con sông này thời Nguyễn gọi là Bảo Định hà, nối liền sông Vàm Cỏ và sông Tiền. Từ Gia Định có thể theo sông này mà thẳng tới thành Mỹ Tho.

- Ba: cũng vào sông Vũng Gù tới một ngã ba, nơi hợp lưu sông Vũng Gù và kênh Thương Mại. Kênh Thương Mại theo nhật kí của lính Pháp tham chiến ở đây ghi lại thì kênh này dẫn đến ngay cửa thành Mỹ Tho, rất tiện lợi. Tiện nhưng sông này có đặc điểm là rất cỏ, lát, sông lại cạn, bùn lầy rất nhiều tàu lớn không thể đi qua đây. Kênh này như là hệ thống phòng thủ tự nhiên của thành Mỹ Tho vậy.

Hệ thống phòng thủ của thành gồm hai bộ phận là hệ thống phòng thủ nhân tạo và hệ thống phòng thủ tự nhiên.

Hệ tống phòng thủ nhân tạo

Thành Mỹ Tho được thiết lập hệ thống phòng thủ từ xa, trên con sông đi từ Vàm Cỏ đến Mỹ Tho là nơi xung yếu. Trên đoạn sông này được bố trí chín đồn đất, được bố trí hai bên bờ sông, cùng đi đôi với đồn thủ là những đập chắn. Đầu tiên là hai đập chắn kế tiếp nhau, qua một ngã ba thì tới một đập chắn nữa, ở khoảng giữa của hai đập chắn ba và bốn có bố trí một đồn thủ ở bên trái. Xen kẽ các đập chắn trong lòng sông là các vật cản như sọt đá hay là cọc nhọ được cắm xuống bùn, và cả nhưng chiếc thuyền được chất đầy đất rồi nhấn chìm giữa dòng. Ngay dưới dập chắn thứ tư bên phải được đặt một đồn nữa, đồn thứ hai. Những đồn này được đấp bằng đất nơi bùn lầy, có hào xung quanh lại cắm chông nên rất khó công những đồn này. Dưới đồn số hai là đồn thứ ba cũng ở bên phả sông. Đồn thứ ba này nằm ở nhả ba sông nên có vị trí rất thuận tiện, kiểm soát được đường giao thông. Dưới ngã ba sông gặp một đập nữa là đập thứ 5, liên tục à các đập thứ 6, 7, 8 và đập thứ chín. Nó được bố trí trên một khúc sông tương đối thẳng. Nơi đập thứ 8 và chín thì có thêm chướng ngại những thân cau được chặt thành khúc thả ngổn ngang lấp cả đoạn sông vì thế thuyền bè muồn vượt qua bắt buộc phải dọn sạch những cản vật này đi. Đồn thứ 4 được đặt ở một khúc quanh và dưới một ngã ba sông bên trái nên khi tấn công sẽ rất bất ngờ mà địch cũng khó mà tìm được. Đồn thứ 5 cũng vậy nằm ở khúc quanh của sông bên dưới ngã ba, bên trái. Những đồn này có tính chất chiến lược khi tấn công vì nó bố trí để đánh bất ngờ và kiểm soát nơi quan trọng, giặc muốn đánh vào đồn phải tốn công tìm vị trí của nó. Đồn thứ sáu xây gần thành Mỹ Tho đây là đồn thủ cuối cùng án ngữ trước thành. Nơi đây khi Pháp nổ súng thì ta đã bắn trả ba phát đại bác làm chết một chỉ huy của địch. Rồi đồn cũng thất thủ vì không chịu nổi sức công phá của đạn. Nơi gần thành lại có một làng đóng quân, ở đây chứa rất nhiều vũ khí. Nhưng khi Pháp phát hiện thì lính ta lịa rút lui không cố thủ. Hầu hết những đồn thủ này đều được khoét lỗ châu mai và đặt súng để chiến đấu. Các đồn số 1 và 2 khi Pháp tấn công tới thì bị bắn trả từ hai bên đồn rất dữ dội. Nhưng cũng có đồn dù bố trí phòng thủ nhưng vẫn để cho Pháp chiếm mà không tốn sức.

Thành Mỹ Tho cũng ở vị trí của một khúc quanh sông, khi hết đoạn cong này thành hiện ra bất ngờ nhưng tiếc thay thành không có sự chống cự nào.Mặc dù trong thành có bố trí đại bác, lương thực đầy đủ tiền bạc vẫn không thiếu, trước khi rút quan giữa thành đã cho đốt hết gạo và tiền đi. Thành Mỹ Tho mất dễ dàng dù sức chống cự ngay từ đầu là có thể nhưng có lẽ đến hồi cuối thành không chịu nổi sự bao vay của quân Pháp từ hai phía trước và sau nơi đóng quân của giặc chỉ cách thành vài trăm mét. Vì thế mà lính trong thành đã rút từ lâu.

Hệ thống phòng thủ tự nhiên

Đó là hệ thống phòng thủ của các con sông mà chủ yếu là hai con kênh Bưu Điện và Thương Mại. Kênh Thương Mại ban đầu Pháp định đem quân đi đường này nhưng trong suốt các ngày 27, 28, 29 và 30 tháng 3 tàu không thể đi được vì vướn phải cỏ trên sông rất nhiều và bùn lầy làm thuyền không cách nào tiến tới đành hải quay về con kênh Bưu Điện.

Kênh Bưu Điện thì bùn lầy cũng rất nhiều nhất là đoạn gần thành. Những tháng sau tết thì những dòng sông ở miền tây cạn nước nhất là những sông nhỏ nên rất khó để di bằng đường thủy. Đoạn này nó đổ vào ngay trước mặt thành và lại cạn dần. Tàu muốn đi phải khắc phục bùn lầy này. Pháp muốn tấn công nhanh chỉ có con đường này là nhanh nhất. Trên sông lại có vật cản nên lính Pháp vừa tiến quân vừa phải phá chướng ngại đồng thời là vét bùn. Vì không hợp thủy thổ nơi này lại làm việc trong điều kiện bùn đất nập ngang người, trên thì trời nắng nên lính Pháp đã mắc bệnh dịch tả, không bị dich tả thì bị sốt rét, kiết lỵ. Vì vậy mà quân số Pháp giảm do mắc bệnh, số còn sống sót thì cũng rất cực nhọc. Một số quân Pháp đã than phiền vì tình trạng này đã chịu đựng hết nổi. Trong quân sự đây là tình thế có lợi cho đối phương nhưng tiếc thay ta không dựa vào đây để mà đánh bật Pháp ngay từ đầu dù cơ hội đã có. Đó là điều khó hiểu trong cuộc chiến, từ đây mà dẫn đến mất nước khi điều kiện đánh là có thể.

Những con sông xung quanh thành Mỹ Tho không những là con đường giao thông mà còn là những con đường quân sự chiến lược. Những con sông này chính là những chướng ngại tự nhiên mà rất hữu hiệu trong cuộc chiến, nó làm ngăn cản bước tiến của địch đồng thời có thể làm mất sức lực, giảm quân số của giặc.

Tương quan lực lượng và vũ khí nhà Nguyễn và quân Pháp

Quân số

Quân số của Pháp tham gia cuộc chiến đánh Mỹ Tho là khoảng 900 quân[7]. Đây là con số tổng kết sau khi chiếm thành, sau nhiều đợt viện trợ thì con số lính tham gia như thế. Trong đó có cả lính Tây Ban Nha tham gia nhưng số lượng ít.

Riêng quân Nguyễn ở thành Mỹ Tho thì không rõ là bao nhiêu, không thấy tài liệu nào nói tời nhưng trong diễn biến trận đánh thì thấy quân được bố trí ở 6 đồn và một làng lính ở gần thành và cả lính trong thành nữa thì có thể phỏng đoán ước chừng số quân ở Mỹ Tho có thể tương đương với quân số Pháp đến hơn.

Tương quan về vũ khí

Quân Pháp: trước tiên có thể nói Pháp quân đã trang bị vũ khí hùng hậu tân tiến nhất hiện thời. Những loại vũ khí này có sức công phá cao, hiệu quả tốt nhất trong các chiến lược. Trong trận đánh Mỹ Tho Pháp đã sử dụng chiến hạm lớn bằng sắt, sau đó được viện trợ thêm trong quá trình đánh thành Mỹ Tho. Pháp đánh Mỹ Tho bằng hai đường (theo kế hoạch ban đầu) là đường kênh Bưu Điện và kênh Thương Mại. Những chiến hạm trong trận đánh này được cấu tạo chắc chắn để có thể vượt nhưng chướng ngại vật trên sông, hơn nữa nó còn được sự yểm trờ của lính bộ binh trên bờ.

Vũ khí trang bị cho các chiến hạm là các súng lớn, có sức công phá, tầm bắn xa. Đó là loại “súng nòng có khía đem đặt trên tàu sẽ có vai trò như đại pháo”[8]. Sự cải tiến nòng súng có khía sẽ giúp đem lại uy lục cho súng. Ngoài ra Pháp quân còn sử dụng loại “súng cối miền núi”, còn có loại cỗ đại pháo “nòng 4” và “nòng 30)(không rõ là súng gì), hỏa tiễn. Có thể nói đây là những loại súng hiện đại những loại súng này sẽ hỗ trợ đắc lực cho cuộc tấn công. Có lẽ những loại súng này không còn hình thức nạp đạn như kiểu cũ nữa mà đã cải tiến nạp đạn ở hậu nên nhanh chóng tấn công được. Còn riêng binh lính thì được trang bị loại súng trường để chiến đấu.

Quân triều Nguyễn

Ngược hẳn với quân Pháp vũ khí được trang bị cho Mỹ Tho rất lạc hậu. Tàu chiến là nhưng loại tàu nhỏ đóng bằng gỗ tốt như giá tị, so với tàu Pháp bằng sắt. Những tàu chiến của ta vẫn sử dụng sức cơ bắp để di chuyển, chèo là chính.

Pháo lớn của ta là các loại súng thần công, sử dụng đạn đá, sức công phá kém, tầm bắn ngắn. Súng vẫn còn nạp đạn ở trước nòng, mất thời gian, đây là loại súng đã rất lỗi thời.

Ngoài những loại hỏa khí thô sơ trên quân ở Mỹ Tho còn sử dụng một lượng lớn các loại vũ khí truyền thống. Đó là các loại vũ khí như: giáo, lao, thương, kiếm được trang bị ở mỗi nơi trong thành và cả nhừng đồn thủ ven sông nữa.

Các loại bẫy như bàn chông, cọc nhọn được sử dụng rất nhiều để cản bước tiến của địch. Không chỉ dùng loại bẫy mà ta còn dùng các loại chướng ngại vật. Đó là các loại như đá được bỏ vào sọt rồi nhấn chìm dưới sông, cọc nhon, cừ và thân cau được dùng để cắm xuống bùn hoặc thả nổi đầy trên mặt nước để cản tàu giặc. Hoặc dùng cả một chiếc thuyền rồi cho đất vào đem nhấn chìm dưới sông và cả những chiếc bè được chất đầy bùi nhùi và lưu huỳnh để làm chất cháy nổ trên sông.

Quân lính ở Mỹ Tho còn đắp những đập cản trên sông, muốn tới thành Mỹ Tho lính Pháp phải vượt qua chín đập như vậy. Đây là một cách thức phòng thủ làm từ những vật dụng thô sơ, tốn nhiều sức lực mà hiệu quả không cao nhất là khi Pháp đã dùng tàu sắt, súng lớn để tấn công thì những chướng ngại này không là gì cả.

Sự tương quan về vũ khí giữa quân ở Mỹ Tho và quân Pháp đã rõ, đó là một sự chênh lệch về tương quan lực lượng. Một bên là Pháp sử dụng trong cuộc chiến nhiều phương tiện hiện đại chiến hạm, súng lớn (18 cỗ súng), còn một bên là sử dụng những phương tiện thô sơ, thủ công. Đây là một bất lợi cho quân Nguyễn ở Mỹ Tho khi đối đầu với đội quân mạnh về phương tiện. Vì có lợi thế này mà quân Pháp đã nhanh chóng phá những rào cản của ta mà chiếm thành Mỹ Tho trong một thời gian ngắn.

3.3. Nhận xét

Qua sự so sánh tương quan lục lượng giữa quân nhà Nguyễn và quân Pháp trọng trận đánh năm 1861 thì thấy quân Pháp có lợi thế hơn rất nhiều về vũ khí. Vì chúng rất hiện đại còn ta thì với những vụ khi truyền thống để “giáp lá cà” và vài vài khẩu đại bác cũ kĩ. Sức lự như vậy thì không thể nào đương đầu nổi với Pháp quân được.

Qua sự tấn công của pháp và sự bố trí phòng thủ của quân ở Mỹ Tho thì có thể thấy ta ở thế thủ là chính. Khi quân Pháp đến thì mới co sự chống cự nhỏ lẻ ở các đồn nhưng rồi cũng nhanh chống thất thủ. Quân ta cũng dàn trận để đánh nhưng rồi cũng sau vài phát súng rồi cũng rút lui an toàn. Sự bố trí các đồn thủ hai bên bờ sông và các đập chắn, các chướng ngại như thuyền đất, sọt đá, cọc nhọn,… chính là sự biểu hiện của “thủ” trong chiến thuật quân sự. Một điều cần chú ý nữa là ở trong thành có sự bố trí các pháo đài ở bốn góc, thành có vọng canh, có lỗ châu mai để bắn trả, tường thành lại làm rào chắn bằng che gai, trên mặt thành lại có rào nữa, dưới chân thành lại có hào sâu. Nếu một thành mang tính chất hành chính thì khôing thể làm như vậy và không để “thủ” trong trận chiến thì không bố trí như thế. Thành lại có trữ lương thực và tiền bạc. Những biểu hiện này rõ ràng cho thấy chiến thuật thủ của thành, đó là những chuẩn bị sẵn sàng cho sự cầm cự với địch.

Vì yếu tố thủ của thành mà nó quyết định sự thắng bại của cuộc chiến. Vì thủ mà ngay từ những đồn đầu tiên ta đã không tập trung để mà tấn công trái lại chỉ bố trí bắn trả ở hai đồn rồi Pháp nhanh chóng hạ đồn. Vì thủ mà khi Pháp quân gặp phải dịch bệnh ở những ngày đầu làm chúng tổn hại nặng nề mà ta không có kế hoạch phản công nên đành bỏ lở cơ hội này. Vì thủ mà ở khoảng vị trí đồn thứ 4, nơi tập trung hêt vật lực của ta để dàn trận đánh trả nhưng khi chạm trán với trận địa của Pháp thì quân ta phải rút lui nhanh chóng. Vì thủ mà tại một làng đóng quân của ta, địch đã lọt vào mà ta lại rút lui để cho chúng chiếm làng. Đây là một chiến lược sai lầm nhất là khi có cơ hội để công rất nhiều mà ta đã bỏ lỡ. Khi giặc đã đến thành Mỹ Tho, trước sức ép của hai mặt quân, quân ta trong thành tự nhiên đã rút khỏi thành từ ba giời trước khi nổ súng. Vì thế mà Pháp chiếm thành êm đẹp, không tốn sức mấy. Trên là những yếu tố của chiến thuật “thủ” của thành Mỹ Tho mà đi đến những thất bị quan trọng, cả miền đông nam bộ lọt vào tay Pháp.

Qua cuộc chiến có thể nhận định ta có thể phản công để giành thắng lợi ngay từ đầu. Ở đây có lẽ do chiến thuật sai lầm nên dẫn đến thất bại trong trận này. Ngay cả trong trận đánh Gia Định rõ ràng là quân lực của ta mạnh hơn nhưng do chiến lược thủ đồn Kỳ Hòa, ở vào thế bị động nên phải thất thủ. Mỹ Tho cũng vậy nhiều cơ hội đến với quân ta nhưng chiến thuật sai nên không giữ được thành. Dù quân Pháp so sánh về phương tiện thì thuận lợi hơn rất nhiều. Những chướng ngại trên sông, những đồn trên bờ những bùn lầy, dịch bệnh, không am hiểu địa hình của Pháp, số lượng quân lại ít là một điều có lợi cho đối phương trong quân sự nhưng ta đã sử dụng chiến thuật thủ nên những yếu tố đó đã không làm nên việc lớn cho nước. Chiến thuật này có lẽ không phải xuất phát ở vị chỉ huy nơi đây mà xuất phát từ triều đình trung ương cứ dùng dằn giữa công và thủ nên đã lỡ cơ hội vậy.

Từ đó có thể thấy sự thất bại của Mỹ Tho nói riêng và Việt Nam nói chung trước sự tấn công của Pháp, sự mất nước là không tất yếu. Trong khi đó lực lượng ta đủ sức để đánh số lượng lính Pháp dù chúng có sự trang bị tốt.Sự thất bại lịch sử này là do chiến thuật trong cuộc chiến nên dẫn tới thất bại này đến thất bại khác không đáng có. Thất bại ở thành Mỹ Tho là một ví dụ điển hình, ta không phải không đủ sức đương đầu mà do sai lầm.



Thành Mỹ Tho được xây dựng ở một trung tâm kinh tế quan trọng của Nam bộ, nó lại có một vị trí quan trọng về mặt quân sự đối với vùng biên giới phía tây và mặt biển, đồng thời nó có vai trò như là một kho lương chung của cả vùng. Vì thế mà có thê xem thành Mỹ Tho có chức năng quân sự, dù có chức năng quân sự nhưng cũng không phải không có chức năng hành chính. Thành là lỵ sở của tỉnh nơi tập trung những cơ quan hành chính của Định Tường. Đó là về chức năng của thành Mỹ Tho. Về nhữn đặc trưng cấu trúc của thành cho thấy thành có chức năng để thủ khi bị tấn công. Vì thế nói nghệ thuật quân sự của ta không có “thủ” là đều cần xem xét lại. Trong cuộc chiến năm 1861 cho thấy rõ chiến thuật phòng thủ của thành Mỹ Tho. Từ đây mà dẫ đến việc thành Mỹ Tho thất thủ, nó có hệ lụy đến cả đất nước đắm chìm trong vòng nô lệ của Pháp. Vì không phải ta không đủ sức kháng cự hay vì quân khi của ta kém mà vì sai về chiến lược.Vì thế cần nghiên cứu nhiều hơn về nguyên nhân mất nước thời Nguyễn, không phải mãi đỗ lỗi cho quân khí ta lạc hậu dù nó chỉ là một yếu tố.

Thời Nguyễn đã xây ở mỗi tỉnh một thành đóng vai trò trước tiên là lỵ sở của tỉnh. Loại hình di tích này đang xuống cấp rất trầm trọng vì vậy cần phải chú tầm nghiên cứu mảng di tích này về chức năng, vai trò của nó. Có như vậy mới làm sáng tỏ được nhiểu vấn đề lịch sử thời Nguyễn.

Ngày nay, dấu tích của thành Trấn Định lẫn thành Mỹ Tho đều không còn, chúng đã ghi lại dấu ấn một thời rực rỡ của đất Mỹ Tho ở Nam bộ. Những thành như thế ở Nam bộ không còn, tiếc thay không thể khảo cứu gì thêm về loại hình di tích này.



Bài viết có gì sơ xuất xin bỏ qua cho và rất mong nhận được sự chỉ dạy của những bậc hiểu biết.



TÀI LIỆU THAM KHẢO



1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB, GD, 1998.

2. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, NXB Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, 2005

3. Đại Nam toàn đồ, tư liệu Khoa Lịch sử - Đại học KHXH VNV.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận hóa, 1995.

5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục T1, NXB GD, 2001

6. Léopold Pallu, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, NXB Phương Đông, 2008.

7. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - tỉnh Định Tường, NXB Thuận Hóa,












[1] Léopold Pallu, 2008, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861(Hoàng Phong dịch), Nxb Phương Đông, tr 155


[2] Đại Nam nhất thống chí, Sđd


[3] Léopold Pallu, Sđd, tr, 307


[4] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, NXB Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây, 2005

tr, 312


[5] Leopold Pallu, Sđd, tr, 118


[6] Leopold Pllu, Sđd, tr, 139


[7] Leopold Pllu, Sđd, tr, 151




[8] Leopold Pallu, Sđd, tr, 129

Đinhnam
Moderator
Moderator

Tổng số bài gửi : 39
Join date : 10/06/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết