khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN

Go down

KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN Empty KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH R[/b]ỘNG HƠN

Bài gửi by Hasuongkch Sat Jul 23, 2011 1:45 am

KHUÔN ĐÚC VĨNH YÊN TRONG BỐI CẢNH RỘNG HƠN.
Lê Nguyên Anh
Trích Nam bộ đất và người tập 8, tr527-538

Trong thời đại kim khí, Việt Nam có ba trung tâm văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai phát triển rực rỡ. Trong ba trung tâm đó, chúng ta chỉ mới phát hiện nhiều khuôn đúc, hiện vật đồng trong các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn, Đồng Nai. Còn các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh phát hiện nhiều hiện vật sắt nhưng phát hiện rất ít hiện vật đồng đặc biệt là khuôn đúc. Đây là điểm khác biệt giữa ba trung tâm văn hóa. Vì vậy, vấn đề luyện kim và chế tác kim loại của văn hóa Sa Huỳnh được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trả lời những câu hỏi còn bỏ ngõ.
Khánh Hòa nằm trong khu vực thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Trong năm năm vừa qua, Bảo tàng Khánh Hòa đã tiến hành khai quật, khảo sát điểu tra khảo cổ học trên phạm vi toàn tỉnh. Và khảo cổ học đã phát hiện 3 địa điểm có những dụng cụ để luyện kim và đúc kim như: di chỉ Vĩnh Yên huyện Vạn Ninh, tại xã Ninh Thượng huyện Ninh Hòa, di chỉ Hòa Diêm thị xã Cam Ranh. Cả ba địa điểm đều tìm thấy khuôn đúc bằng đá, đặc biệt có di chỉ Vĩnh Yên tìm thấy cả khuôn đúc bằng đá và bằng đất nung, nồi nấu đồng. Chúng ta vẫn chưa phát hiện được di tích có dấu vết lò nấu luyện đồng.
Trong bài viết này tôi muốn đi vào khía cạnh: giới thiệu về khuôn đúc rìu đồng phát hiện ở Khánh Hòa và tìm hiểu mối giao lưu của khuôn đúc rìu đồng trong các văn hóa thời đại kim khí nước ta và với khu vực Đông Nam Á lục địa.
Di chỉ Vĩnh Yên thuộc địa phận thôn Vĩnh Yên xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tâm di chỉ có tọa độ: 120 42’ 35’’ vĩ Bắc; 1090 23’ 20’’ kinh Đông, nằm trong vịnh Vân Phong (Bản vẽ 1). Toàn bộ di chỉ Vĩnh Yên có diện tích khoảng 1,5 ha (chiều rộng 110m, chiều dài 140m), ở độ cao trung bình 3m so với mực nước biển. Trung tâm di tích là nghĩa địa hiện đại. Phía tây giáp với núi, phía đông, nam, bắc giáp khu dân cư thôn Vĩnh Yên.
Di chỉ Vĩnh Yên được cán bộ Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phát hiện tháng 7/2006. Di chỉ nằm trong phạm vi xây dựng khu vực tái định cư Vĩnh Yên thuộc dự án xây dựng vịnh Vân Phong nên đã được khai quật đợt 1 vào tháng 7/2007. Từ tháng 7/2009 Bảo tàng Khánh Hoà phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu và di dời toàn bộ di chỉ về Bảo tàng Khánh Hoà trước khi bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án Vân Phong. Đợt khai quật kết thúc vào cuối tháng 11/2009. Tổng diện tích khai quật, thám sát là 2000m2, gồm 30 hố khai quật (mỗi hố 50m2) và 50 hố thám sát (mỗi hố 10m2).
Tầng văn hoá di chỉ còn khá nguyên vẹn. Địa tầng di chỉ ở các hố khai quật, thám sát có độ dày mỏng không đều nhưng có thể ghi nhận di chỉ phân bố trên một cồn cát khá bằng phẳng, hơi vồng nhẹ ở phần đỉnh gò. Tầng văn hoá hình thành trên đất cát biển mịn và thuần, chỗ dày nhất phân bố ở khu vực trung tâm di chỉ dày khoảng 140cm và mỏng dần khi tiến ra các khu vực bên ngoài. Diễn biến màu sắc tầng văn hoá khá đều nhưng có sự đậm nhạt khác nhau do sự phân bố di tích, di vật dày mỏng khác nhau gây ra.
Từ tư liệu địa tầng có thể nhận định: “Khu vực trung tâm gò kéo đến chân núi Hòn Chùa là nơi cư trú chính của cư dân Vĩnh Yên. Tầng văn hoá ổn định mang diễn biến của một giai đoạn văn hoá. Địa tầng di chỉ phân bố dày hơn ở nửa phía Bắc, kéo thành một dải đến phía Tây Nam và nhạt hơn ở phía Nam di chỉ. Tính chất di chỉ là khu vực cư trú - mộ táng, trong đó nổi bật nên là tính chất cư trú của di chỉ. Mộ táng chôn rải rác trong tầng văn hoá nhưng nằm tập trung hơn ở khu vực sườn phía Tây Nam di chỉ. Tầng văn hoá ở phía Đông Nam mỏng”[ 16. tr.5,6].
Vĩnh Yên là một di chỉ cư trú - mộ táng, trong đó mộ táng nằm ngay trong khu vực cư trú. Niên đại di chỉ nằm trong khoảng 2500 – 2000 năm BP. Hiện vật thu được với nhiều loại hình đồ đá, đồ gốm trong đó có hiện vật đặc biệt là khuôn đúc rìu, nồi nấu đồng. Cụ thể là:
Khai quật đợt 1 tháng 7 năm 2007 có với 1 khuôn đúc rìu bằng đất nung, 1 khuôn làm bằng đá và 3 nồi nấu đồng bằng gốm và 3 tiêu bản đồ đồng.
Khuôn đúc bằng đất nung, ký hiệu: 07.VY.L4.B5:419, làm từ đất sét pha cát và bã thực vật, màu gạch đỏ. Tiêu bản này bị vỡ, tìm thấy 2 mảnh nhỏ và đã được ghép lại. Mặt âm có vết khắc hình rìu tứ giác, gần họng tra cán có hai đường chỉ âm sâu hơn nằm song song theo chiều ngang. Mặt sau cong. Kích thước: dài 5,1cm, rộng 5,9cm, dày 1,9cm. (Hình 2)
Khuôn đúc bằng đá, ký hiêu: 07.VY.L6.A2.M7:327, làm từ đá Grèse hạt mịn, màu đỏ gạch, lớp patine nâu nhạt. Tiêu bản bị vỡ khi khai quật và được ghép lại. Mặt âm có vết khắc hình rìu tứ giác, có phần lưỡi rộng, cong, nong hơn so với phần đầu gọt, mang khuôn cao và phẳng. Mặt sau cong, ở giữa còn có một vết lõm hình tròn (dấu kê), đường kính 2 cm, sâu 0,3cm. Mặt cắt ngang thân hình chữ D. Toàn thân đã được mài. Kích thước: dài 7,5cm, rộng 5,5cm, dày 3cm. (Hình 1)
Đồ đồng có ba tiêu bản, gồm những loại hình sau: 1 rìu đồng và 1 mảnh rìu đồng được tìm thấy trong mộ 7 (đồ tùy táng), 1 mảnh họng rìu đồng.
Rìu đồng ký hiệu: VY.07.L6.A2.M7:373. Đây là đồ tùy táng chôn theo mộ 7. Rìu đã vỡ mất một mảnh ở họng tra cán, mức độ oxy hóa cao. Họng tra cán có hình bầu dục, hai cạnh bên thu nhỏ ở đoạn gần giữa thân, mở rộng dần về lưỡi. Lưỡi rìu xòe cân, cung lưỡi hình cánh cung, bị vỡ vụn. Toàn thân để trơn không trang trí hoa văn. Mặt cắt ngang họng tra cán hình bầu dục dẹp. Kích thước: dài 5,9cm, rộng 5,3cm, dày 1,1cm.
Mảnh đồng, ký hiệu 07.VY.L6.A2.M7:374, chỉ còn lại một mảnh nhỏ, có thể là mảnh vỡ của chiếc rìu đồng bị oxy hóa cao. Kích thước: dài 3,6cm, rộng 2,9cm, dày 0,2cm.
Mảnh đồng, ký hiệu 07.VY.L3.E2 :375, mảnh rìu đồng bị oxy hóa cao. Gần họng tra cán có một đường chỉ nổi nằm ngang. Trong hố khai quật đã tìm thấy loại hình khuôn đúc bằng đất nung giống như mảnh rìu này. Kích thước: dài 3,9cm, rộng 3,3cm, dày 0,2cm.
Tháng 8 năm 2009 trong quá trình khai quật đã tìm được một mảnh khuôn đúc, có ký hiệu là 09VYTS10L2.01. Chiếc khuôn đúc làm bằng đá cát hạt mịn, màu xám nâu và có vân đen. Dáng khuôn đúc gần giống hình trụ tròn bổ dọc, đã bị vỡ, còn lại một mảnh. Vỏ khuôn được mài nhẵn. Mặt cắt ngang khuôn có hình bán nguyệt (gần giống hình chữ D). Đầu khuôn được mài phẳng đồng thời cũng là đậu rót của khuôn. Mặt tiếp giáp giữa hai mang khuôn được mài phẳng. Phần họng rìu có khắc chìm hai đường chỉ khá sâu. Chúng song song với nhau và song song với miệng họng. Đây là loại khuôn hai mang để đúc rìu đồng. Phần còn lại của mảnh khuôn này có chiều dài 4,9cm; chiều rộng nhất 5,2cm; chiều hẹp nhất là 5cm; độ dày nhất của khuôn là 2,2cm; phần họng rìu sâu 0,6cm. (bản ảnh 1)
Tổng số hiện vật gốm và công cụ đá, đồ trang sức bằng đá ở di chỉ Vĩnh Yên chiếm số lượng lớn trong khi đồ đồng chiếm số lượng không đáng kể. Với sự tồn tại của ba chiếc khuôn đúc đều thuộc loại hai mang, cùng với ba chiếc rìu đồng, nồi nấu đồng, xỉ đồng trong tổng thể các hiện vật thu được ở làng cổ Vĩnh Yên đã khẳng định là cư dân nơi đây đã đúc đồng thành thạo với kỹ thuật hoàn chỉnh. Dựa vào sự có mặt của các khuôn đúc đồng, hiện vật đồng chứng minh người Vĩnh Yên không còn ở giai đoạn buổi đầu thời đại kim khí nữa.
Theo số liệu thống kê của các cuộc khai quật, khảo sát khảo cổ, tỉnh Khánh Hòa có vài di tích phát hiện khuôn đúc rìu và hiện vật rìu đồng. Trong chuyến đi khảo sát ở huyện Ninh Hòa thuộc phía tây tỉnh, Nguyễn Khắc Sử và cán bộ Bảo tàng Khánh Hòa đã thu thập được một bộ sưu tập gồm 13 di vật đá. Trong số đó có một hiện vật đặc biệt là khuôn đúc rìu sưu tầm ở xã Ninh Thượng (xã miền núi), huyện Ninh Hòa. “Khuôn đúc rìu hình nửa bầu dục hai đầu cắt bằng mặt lưng cong phẳng, có vết khuôn hình lưỡi rìu xòe cân, đốc rộng vai cong đều tạo hai mũi nhọn, lưỡi vê cong. Nơi giáp giữa chuôi và thân có hai vạch sâu song song tạo đường chỉ đúc nổi. Kích thước vật đúc (rìu) dài 13 cm, chuôi rộng 5,6cm, hai cánh rộng 9,8 cm (Hình 3)”[12. tr.6]. Theo nhận định của Nguyễn Khắc Sử thì loại khuôn đúc này đã tìm thấy ở thôn 4, huyện K’bang (tỉnh Gia Lai) và khá phổ biến trong di chỉ Dốc Chùa (Bình Dương) và một số nơi khác ở lưu vực sông Đồng Nai.
Tháng 4 năm 2002, đoàn nghiên cứu từ Viện Khảo cổ vào khảo sát địa điểm Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh, thuộc về phía nam tỉnh Khánh Hòa. Di tích phân bố trên các thửa ruộng đang canh tác trong vùng thung lũng núi Tà Lưa, cách biển khoảng 500m về phía đông, quanh đó có nhiều nguồn nước ngọt thuận lợi cho con người sinh sống. Các nhà Khảo cổ học đã mở 3 hố thám sát, đặc biệt trong hố 2 chôn theo 1 rìu đồng khá nguyên vẹn. Rìu đồng trong mộ số 2 có họng tra cán, lưỡi xòe cân vê cong đều, vai xuôi. Kích thước: dài thân 5,8cm, họng tra cán 3,7cm, dày 2cm; hai cánh rộng 5cm (Hình 4)” [12. tr.7]. Về hình dáng, chiếc rìu này gần giống với rìu đồng ở Dốc Chùa (Bình Dương).
Như vậy, khuôn đúc rìu và rìu đồng có mặt ở vùng biển và miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Các khuôn đúc có đặc điểm giống nhau. Mặt ngoài vỏ khuôn cong phẳng, mặt trong có hình rìu lưỡi xòe, phần giáp giữa chuôi và thân có hai vạch khắc chìm song song với nhau. Từ đặc điểm chung của khuôn đúc rìu Khánh Hòa ta mở rộng hơn về phía nam tìm mối quan hệ với văn hóa Đồng Nai.
Hướng về phía nam cũng nằm trong khu vực Nam Trung Bộ, khảo cổ học đã có nhiều phát hiện về các di tích khảo cổ ở tỉnh Bình Thuận mà trước đây có tên là tỉnh Thuận Hải. Trong bài nghiên cứu về “Di tích Thuận Hải trong hệ thống Sa Huỳnh” của Phạm Đức Mạnh đã thống kê đồ đồng chủ yếu phát hiện ở trong mộ của các di tích Bàu Hòe, Hòn Đỏ - Mỹ Tường … thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Các đồ tùy táng gồm: rìu đồng, dao hái, qua, giáo, mũi tên. “Rìu đồng có 6 chiếc với đặc điểm chung hai bên thân hẹp, phần chuôi loe rộng, với ba lọai: bốn chiếc lưỡi trũng hình hyperbol, phần giữa hơi lõm. Họng tra cán hình bầu dục. Một mặt thân phẳng, mặt bên cong lồi, ở phần chuôi có trang trí một – hai đường chỉ viền ngang. Chiếc lớn nhất dài 9,3cm, lưỡi rộng 8,9cm, đốc 5,6 x 1,5 cm. Chiếc nhỏ nhất dài 6,6cm, lưỡi rộng 7,4cm, đốc 4,4 x 1,3cm (hình 5, 6)”[8. tr.42]. Đây là loại rìu đồng cùng một dạng với rìu đồng tìm thấy ở Dốc Chùa. Nhà nghiên cứu Bùi Chí Hoàng nhận định rằng: “Như vậy, qua, rìu, giáo bằng đồng hoàn toàn giống hệt các tiêu bản tìm thấy ở Dốc Chùa, Suối Chồn, Long Giao thuộc giai đoạn hậu kỳ Đồng – sơ kỳ Sắt ở Đông Nam Bộ” [5. tr.69].
Ngược lên vùng Tây Nguyên, Nguyễn Khắc Sử đã phát hiện tại huyện Sa Thầy tỉnh Kom Tum hai chiếc rìu đồng có lưỡi hếch, họng tra cán bầu dục, có trang trí hoa đường chỉ nổi song song ở giữa chỗ eo thắt. (Hình 7, Cool
Trên đây là các phát hiện về khuôn đúc rìu đồng và rìu đồng ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Nhìn chung, về hình dáng, đặc điểm của những chiếc rìu, những chiếc khuôn đúc phát hiện ở các địa điểm nói trên đều có đặc điểm gần giống với rìu đồng, khuôn đúc rìu ở di chỉ Dốc Chùa (tỉnh Bình Dương).
Cũng nằm ven biển miền Trung, tỉnh Bình Thuận trong bài nghiên cứu về “Di tích Thuận Hải trong hệ thống Sa Huỳnh” của Phạm Đức Mạnh đã thống kê đồ đồng chủ yếu ở trong mộ gồm có rìu đồng, dao hái, qua, giáo, mũi tên. Rìu đồng có 6 chiếc với đặc điểm chung là họng tra cán hình bầu dục, lưỡi trũng hình hyperbol, một mặt thân phẳng, mặt bên cong lồi, ở phần chuôi có trang trí một – hai đường chỉ viền ngang cùng một dạng với rìu đồng tìm thấy ở Dốc Chùa.
Nhìn chung, về hình dáng của những chiếc rìu, những chiếc khuôn đúc phát hiện ở các địa điểm nói trên đều gần giống với rìu đồng, khuôn đúc rìu ở di chỉ Dốc Chùa (tỉnh Bình Dương). Đặc điểm chung khuôn đúc rìu là khuôn có hình nửa bầu dục (bán nguyệt), hai đầu cắt bằng mặt lưng cong phẳng, có vết khuôn hình lưỡi rìu xòe cân, đốc rộng vai cong đều, lưỡi vê cong. Nơi giáp giữa chuôi và thân có hai vạch sâu song song tạo đường chỉ đúc nổi. Một đặc điểm nổi bật của các khuôn đúc, rìu đồng nói trên đều được trang trí hoa văn hai đường chỉ chìm song song ở đoạn gần họng. Đặc điểm này là một trong những đặc trưng trang trí hoa văn trên khuôn đúc của di tích Dốc Chùa (Bình Dương). Không chỉ thế, đặc điểm này phổ biến ở vùng ngập mặn hạ lưu sông Đồng Nai như di tích Cái Lăng, Bưng Bạc, Bưng Thơm, ở dọc sông Mê Kông như vùng đông bắc Thái Lan trong di chỉ Non Nok Thà và cả ở thượng nguồn sông Mê Kông vùng Vân Nam – Trung Quốc.
Nhìn ra khu vực rộng lớn hơn, nhà nghiên cứu Trịnh Sinh đã có nhận định là: “Cả vùng Đông Nam Á bước vào ngưỡng cửa thời đại kim khí không cùng lúc với nhau. Nhưng nhìn chung, nhiều vùng trong khu vực Đông Nam Á đã bước vào thời đại kim khí từ rất lâu trước Công nguyên và đã đạt đến đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng luyện sắt” [9. tr.50] và văn hóa Đông Sơn là một trong những đại diện nổi bật nhất. Và cũng theo Trịnh Sinh: “Cùng một lát cắt với đỉnh cao văn hóa này chúng ta có thể kể những “đỉnh” như văn hóa Điền, một số văn hóa khác ở vùng Hoa Nam, văn hóa Bản Chiềng – Non Nok Tha, văn hóa Sa Huỳnh, nhóm di tích khảo cổ học Dốc Chùa thuộc văn hóa Đồng Nai…Mỗi đỉnh đều mang những nét văn hóa độc đáo riêng của từng vùng. Đương nhiên giữa các “đỉnh” này có những mối giao lưu văn hóa với nhau. Điều đó thể hiện rõ nét ở di tích Non Nok Tha và Bản Chiềng (Đông Bắc Thái Lan) nằm trong lưu vực của sông Mê Kông. Hai khu vực đều tìm được dấu tích nồi nấu đồng, xỉ đồng và đặc biệt là có nhiều khuôn chế tác bằng sa thạch. Cách chế tác và loại hình khuôn đúc rìu có nhiều điểm giống với khuôn đúc đồng, rìu đồng ở Đông Nam Bộ. Hình dáng rìu đồng (rìu đã thành phẩm và hình rìu trong khuôn) ở di tích Non Nok Tha và Bản Chiang: “Rìu có họng dài, thắt eo ở đoạn giữa, lưỡi rìu cong vòng hình hyperbol, ở đoạn họng có trang trí khoảng 2 hoặc 3 gân nổi song song. Rõ ràng giữa hai khu vực có sự giao lưu chặt chẽ với nhau mới có sự tương đồng đến như vậy” (Hình 11) [4. tr.118].
Xa hơn, vùng thượng nguồn sông Mê Kông, vùng Vân Nam (Trung Quốc) đã phát hiện được hai bộ khuôn đúc sa có khá nhiều điểm tương đồng với các bộ sưu tập khuôn sa thạch ở Non Nok Tha và miền Đông Nam Bộ. Đó là địa điểm Ngao Phong Sơn, huyện Kiếm Xuyên, tháng 10 năm 1980 đã khai quật 176 mộ tàng. Đồ tùy tàng có nhiều hiện vật đồng: Dao găm, giáo, mũi tên, vòng trang sức… “Đặc biệt có một bộ sưu tập khuôn đúc khá giống khuôn đúc Thái Lan và Đông Nam Bộ thể hiện ở chất liệu sa thạch, khuôn hai mang, một mặt phẳng, một mặt cong vòng hình mui thuyền, mặt khuôn cũng hình thang cân…vật đúc là những chiếc rìu đồng có họng cao, lưỡi cong hình hyperbol, đoạn giữa họng cũng được trang trí 2 - 3 đường gân nổi song song” [4. tr.122]. Niên đại của Ngao Phong Sơn được xác định là 2.450 ± 90 cách ngày nay. Niên đại này cũng nằm trùng với một phần niên đại của vùng Bắc Thái Lan và miền Đông Nam Bộ.
Với những tài liệu độc đáo đã công bố chúng ta có thể kết nối các di tích và tìm được các mối liên hệ kỹ thuật đúc đồng, kiểu dáng khuôn đúc rìu đồng từ thượng nguồn sông Mê Kông Tây Bắc Vân Nam (Trung Quốc), Đông Bắc Thái Lan và Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên (Việt Nam) (bản đồ 3). Trong đó tài liệu luyện kim ở Lào và Campuchia còn gần như là “vùng trắng” vì chưa được nghiên cứu, khai quật.
Và đặc điểm giống nhau của các di tích trên trở thành đặc trưng của khu vực Đông Nam Á tiền sử: Đó là khuôn hai mang đúc công cụ và vũ khí có họng. Và theo Trịnh Sinh “Kỹ thuật đúc đồng ở đây cũng “ xa kỹ thuật đồng thau (đồng tín) của Trung Đông và kỹ thuật đồng thau vùng Trung Nguyên (Trung Quốc)”[7. tr.50]. Vì vậy, Trịnh Sinh đã khẳng định: “Trong thời đại kim khí, khu vực Đông Nam Á là một chỉnh thể tương đối thống nhất, có thể phân biệt được với nhiều khu vực khác trên thế giới, bao gồm nhiều nền văn hóa phát triển cao, nhất là trong phạm vi Đông Nam Á lục địa” [7. tr.50].
Và nhà nghiên cứu Trịnh Sinh đã nhận định rằng người Việt cổ phương Nam rất ưa chuộng loại hoa văn đúc nổi thành hai đường chỉ song song ở gần họng rìu. Theo tôi nhận định trên rất đúng. Bởi cả một vùng rộng lớn bao gồm vùng Đông Nam Bộ và hai tỉnh vùng Nam Trung Bộ và một số tỉnh ở vùng Tây Nguyên các di tích đều phát hiện thấy tiêu bản có đặc trưng trên. Không chỉ thế, loại hoa văn này trở thành một trong những đặc trưng trang trí hoa văn trên khuôn đúc phổ biến ở văn hóa thời đại kim khí vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên (Việt Nam), Thái Lan, Vân Nam (Trung Quốc).
Theo Trịnh Sinh, Nguyễn Giang Hải thì đặc trưng này thường thấy ở các di tích dọc sông Mê Kông, sông Đồng Nai mà ít thấy trong văn hóa Sa Huỳnh và văn hoá Đông Sơn. Nhưng theo tôi sau cuộc khai quật di chỉ Vĩnh Yên thì chúng ta có cái nhìn khác hơn về nhận định trên. Bởi qua các tiêu bản khuôn đúc rìu và rìu đồng phát hiện khu vực Khánh Hòa, Bình Thuận giúp chúng ta khẳng định vùng đất phía nam của vùng Nam Trung Bộ có quan hệ các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai bên cạnh mối liên hệ với các nền văn hóa Sa Huỳnh ở vùng Quảng Ngãi, Bình Định.
Điều này chứng tỏ người cư dân cổ sống ở phương Nam khu vực Đông Nam Á lục địa ưa chuộng “loại hình hoa văn đúc nổi thành đường chỉ song song ở gần họng rìu” tr.
Trong thời đại kim khí ở Việt Nam có ba văn hóa phân bố ở ba khu vực khác nhau Đông Sơn (miền bắc), Sa Huỳnh (miền trung), Đồng Nai (miền nam). Văn hóa Đông Sơn do có “lợi thế của địa hình giàu quặng” [6. tr.40] cư dân nơi đây đã sáng tạo nên những bộ đồ đồng có kích thước lớn, hoa văn trang trí tinh tế, kiểu dáng đặc sắc và phong phú. Các hiện vật đồng được đúc trong những khuôn phá làm bằng đất nung. Đồ đồng Đông Sơn “có tầm tỏa rộng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trùm khắp nhiều vùng Nam Đông Nam Á, lục địa và hải đảo là một sự thật lịch sử”[ 6. tr.40]. Trong khi đó, bộ hiện vật đồng trong văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai có kích thước nhỏ, khuôn đúc bằng đá cát hạt mịn, rất hiếm có khuôn đúc bằng đất nung. Theo tài liệu địa chất cho biết khu vực Đông Nam Bộ không có mỏ đồng. Vì thế, để có nguyên liệu đồng phục vụ cho kỹ nghệ đúc đồng, người xưa phải nhập đồng từ nơi khác. Trong cuốn “Văn hóa thời đại kim khí vùng ngập mặn ở Đồng Nai” của Bảo tàng Đồng Nai có viết: “Có thể người xưa nhập đồng từ thượng nguồn sông Mê Kông. Việc hiện vật đồng có kích thước nhỏ do nguồn nguyên liệu đồng”. Việc nhập nguyên liệu đồng là điều có thể nhưng việc đúc đồng theo tôi là do cư dân bản địa đúc tại chỗ và chính họ đã chế tác khuôn đúc bằng sa thạch hai mang. Mặt khác, trong các di tích phát hiện khuôn đúc thường phát hiện cả những mẫu gỉ đồng, xỉ đồng đặc biệt trong di tích Vĩnh Yên có cả khuôn nồi đồng. Dựa vào các hiện vật trên ta khẳng định cư dân cổ đã biết đúc đồng tại chỗ.
Các khuôn đúc rìu, rìu đồng đa số phát hiện trong các mộ khi khai quật. Đây là đồ tùy táng của cư dân của mỗi vùng đất. Khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên cư dân cổ khó có thể dùng nguyên liệu đồng đúc rìu đồng để thay thế rìu đá. Trong khi đó, các di tích khảo cổ ở miền Đông Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ cụ thể như di chỉ Vĩnh Yên đã khai quật ta thấy hiện vật công cụ đá vẫn chiếm đa số. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Giang Hải: “Nguyên liệu đồng không dùng cho việc đúc những chiếc rìu, cuốc mang chức năng thông thường cho dù nó có thể làm được những nhiệm vụ đó” [3.tr.284]. Vào thời đại đó, chỉ có một số người giàu có, người có quyền lực cộng đồng mới có thể mua nguyên liệu đồng để đúc rìu đồng. Họ dùng nó để đúc những đồ vật thể hiện sự khác biệt của họ so với đại bộ phận dân cư khác. Và có thể khi chết, người ta chôn theo nó cùng người chủ sở hữu. Dựa vào luận cứ trên ta có thể khẳng định mộ có chôn theo hiện vật khuôn đúc rìu và rìu đồng có những người giàu có, có quyền lực, xã hội đã phân chia giàu nghèo.
Như vậy, từ những khuôn đúc phát hiện trong di chỉ Vĩnh Yên đã giúp các nhà nghiên cứu mở rộng phạm vi phân bố dạng rìu lưỡi xòe hình parabol, giữa phần chuôi và cán có hai đường song song khắc chìm từ vùng Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên (Việt Nam) vượt qua biên giới địa lý sang Đông Bắc Thái Lan, Tây Nam Vân Nam (Trung Quốc). Lần theo sự phân bố của khuôn đúc chúng ta thấy được mối liên hệ về kỹ thuật chế tạo khuôn đúc rìu đồng từ thượng nguồn sông Mê Kông (Tây Bắc Vân Nam) xuôi dòng về Đông Bắc Thái Lan và đến Đông Nam Bộ của Việt Nam. Từ Đông Nam Bộ khuôn đúc “vượt biển”, hay vượt “đồi núi” đến Nam Trung Bộ của Việt Nam. Và cư dân cổ Khánh Hòa đã chủ động sáng tạo, cởi mở giao lưu với các nền văn hóa khác như: trống đồng của văn hóa Đông Sơn, khuôn đúc rìu, rìu đồng của văn hóa Đồng Nai làm đặc sắc thêm văn hóa cổ Khánh Hòa.

STT Tên địa điểm Năm Di vật khuôn đúc rìu, rìu đồng
1 Hàng Gòn 1968

1976
1983 3 mảnh khuôn đúc rìu bằng sa thạch, có họng tra cán với lưỡi xòe và 2 đường chỉ viền ngang thân
1 mảnh khuôn đúc rìu
1 khuôn đúc rìu xòe cân cỡ nhỏ
2 Suối Chồn 1977
1979 3 rìu đồng còn nguyên dạng
8 khuôn đúc các loại, 1 mảnh rìu có họng tra cán hình bầu dục
3 Long Giao 1982
1996 2 rìu đồng
2 rìu đồng xòe cân
4 Dốc Chùa 16 rìu đồng, 35 khuôn đúc rìu sa thạch
5 Võ Đông 1984 1 khuôn đúc rìu bằng sa thạch, 1 rìu đồng vỡ chuôi, họng tra cán bầu dục, lưỡi công rộng song hơi lệch
6 Cù Lao Phố 1984 3 rìu đồng còn nguyên ven mang hình dáng bản rộng, khá lạ trong nhóm rìu xòe đồng thau của Đông Nam Bộ
7 Đồn Cây Mai 1 rìu đồng
8 Bến Đò Vài rìu đồng
9 An Hưng 3 rìu đồng
10 Cù My 1 rìu đồng
11 Biên Hòa 1 rìu đồng có lưỡi xòe rộng, eo lõm cong, bị rỉ màu xanh đên trên toàn bộ bề mặt
12 Long Bửu 1994 2 khuôn đúc rìu bằng sa thạch
13 Trảng Quân 1996 2 khuôn đúc rìu sa thạch mịn
14 Gò Cao Su 1 khuôn đúc rìu giống loại hình Dốc Chùa nhưng khác về chất liệu
15 Gò Cát (Gò Quéo) 1 rìu đồng
16 Bưng Bạc 2/1994
3-4/1994
6/1996 1 khuôn đúc rìu 2 mặt, 1 rìu xoe cân bằng đồng thau
28 tiêu bản để đúc các loại di vật đồng: rìu,lao, đinh ba
10 khuôn đúc đồng, chủ yếu là đúc rìu và mũi nhọn
17 Gò Dưa 1983 1 rìu đồng cõ nhỏ, họng tra cán xòe, lưỡi cong hình hypebol, một mặt lưỡi cong khum, có đường chỉ nổi gần họng tra cán, quy mô, đặc điểm hình dạng giống rìu và hình rìu trên khuôn đúc Dốc Chùa, Cái Vạn, Suối Chồn
18 Bến Cát 3/1996 1 rìu đồng nguyên, có chuôi loe, eo lõm lưỡi xòe cân đều và cong hình hyperbol giống tiêu bản cùng cỡ ở Dốc Chùa, Suối Chồn…

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Nguyên Anh (BT Khánh Hòa) Trịnh Sinh (Viện Khảo Cổ học), Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2009, Vài nhận xét về khuôn đúc rìu đồng di chỉ Vĩnh Yên, Khánh Hòa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
2. Đào Linh Côn, Nguyễn Duy Tỳ, 1993, Địa điểm khảo cổ học Dốc Chùa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Giang Hải, Nhân phát hiện khuôn đúc đồng ở Phú Mỹ (Lâm Đồng), Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.
4. Nguyễn Giang Hải, Nghề luyện kim cổ ở Đông Nam Bộ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
5. Bùi Chí Hoàng, Không gian văn hóa Sa Huỳnh nhận thức từ di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa). KCH số 5/2009.
6. Phạm Đức Mạnh, 1985, Suy nghĩ về “Không gian văn hóa”của Sa Huỳnh và về Sa Huỳnh, Khảo cổ học số 3, tr.31 – 46.
7. Phạm Đức Mạnh, 1987, Cụm di tích Thuận Hải trong hệ thống Sa Huỳnh, Khảo cổ học số 2, tr 36 - 47.
8. Trịnh Sinh, 1979, Vài nét về giao lưu văn hoá ở thời đại kim khí trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á. Trong: Khảo cổ học số 3, tr 49 - 63.
9. Trịnh Sinh, Nguyễn Giang Hải, 1997, Có một “dòng chảy” kỹ thuật đúc đồng. Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1996, tr 261 - 263.
10. Nguyễn Khắc Sử, Hà Văn Phùng, Văn Đình Thành, 2003, Một số đồ đồng đáng chú ý ở Kom Tum và Đắc Lắc, Trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2002, tr 291 - 295.
11. Nguyễn Khắc Sử, Nguyễn Công Bằng, Ghi chú về tiền sơ sử Khánh Hòa dưới ánh sáng của tư liệu mới, Khảo cổ học số 5/2003.
12. Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn, 2009, Báo cáo khai quật di chỉ Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà, Khảo cổ học số 1, tr.1 - 15.
13. Chử Văn Tần, 1978, Nhìn lạ Sa Huỳnh về văn hóa Sa Huỳnh, Khảo cổ học số 1, tr 52 – 70.
14. Văn hóa Khảo cổ học thời đại kim khí vùng ngập mặn ở Đồng Nai, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2006.
15. Viện Khảo cổ học, Báo cáo sơ bộ khai quật di chỉ Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, năm 2009.
16. Viện Khảo cổ học, Báo cáo khai quật di chỉ Vĩnh Yên (đợt 1), xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, năm 2009.




Hasuongkch
Hasuongkch
Super Mod
Super Mod

Tổng số bài gửi : 312
Join date : 04/06/2009
Age : 36
Đến từ : Hà Tĩnh

http://360.yahoo.com/ngoisaophiabienxanh0203

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết