khaocoviet


Join the forum, it's quick and easy

khaocoviet
khaocoviet
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Latest topics
» Môi trường cổ cư dân Văn Tứ Đông (Khánh Hòa)
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 8:11 am by diepkhaoco52

» Những người chế tác thần linh
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:53 am by diepkhaoco52

» Nỗi niềm di chỉ khảo cổ học
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeThu Jun 27, 2013 7:52 am by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 2)
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:45 pm by diepkhaoco52

» Tượng Ấn Độ Giáo (Phần 1)
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:43 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (Phần 2)
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:36 pm by diepkhaoco52

» Văn hóa Ngưỡng Thiều (văn hóa đá mới Trung Quốc)
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:30 pm by diepkhaoco52

» Sách từ điển khảo cổ học
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:20 pm by diepkhaoco52

»  Lý lịch MrDiep_archaeology
Khảo cổ học Angkor CamPuchia I_icon_minitimeWed Jun 26, 2013 9:12 pm by diepkhaoco52

Affiliates
free forum

Đăng Nhập

Quên mật khẩu


Khảo cổ học Angkor CamPuchia

Go down

Khảo cổ học Angkor CamPuchia Empty Khảo cổ học Angkor CamPuchia

Bài gửi by diepkhaoco52 Wed Jun 26, 2013 8:48 pm

Từ rất sớm ở các quốc gia Đông Nam Á cổ đại đã tiếp cận với hai nền văn minh lớn của nhân loại, đó là văn minh Hoa - Ấn. Mỗi quốc gia tiếp cận theo những hướng khác nhau và biến đổi nó thành cái đặc thù của mình, việc tiếp cận đó thể hiện nổi bật qua hai con đường đó là giao lưu trao đổi hàng hóa và quá trình truyền bá tôn giáo của các tu sĩ. Đất nước Campuchia đã sớm chịu ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ, cư dân Khmer cổ với sự nhạy bén và tinh tường, họ đã sáng tạo ra hệ thống chữ viết riêng của mình nhờ dựa trên chữ Sankrit (Phạn), không dừng lại ở đó, họ còn tiếp thu tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Phật giáo rồi biến đổi nó trở thành nét độc đáo riêng trong tín ngưỡng của mình. Bằng chứng cho thấy đó là những công trình kiến trúc điêu khắc còn để lại mang đậm dấu ấn Ấn giáo và Phật giáo, mà tiêu biểu là quần thể kiến trúc cổ Angkor – niềm tự hào của đất nước Campuchia, Angkor được đánh giá là công trình đẹp nhất của nhân loại, nó được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhà nghiên cứu Hăngri Muhô đã nhận xét về Angkor: “Có lẽ công trình kiến trúc này không có và có lẽ không bao giờ có công trình nào sánh ngang với nó ở trên mặt quả Địa Cầu này”. Quần thể kiến trúc Angkor được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu đá, với sự điêu khắc tuyệt mỹ của các nghệ nhân, các công trình đền đài, các phù điêu chạm khắc hình tượng Phật, tượng các vị thần linh như thần Vishnu, thần Siva, rắn thần Naga…còn để lại cho đến ngày nay đã cho thấy sự nghiêm túc, sự thận trọng trong xây dựng Angkor để có công trình kỳ vĩ, đáng tự hào này. Trong mối liên hệ tương quan, đặc biệt khi muốn nghiên cứu toàn diện về quần thể Angkor thì chúng ta không thể không chú ý đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ của nó
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Cư dân Khmer cổ bước vào thời kỳ Angkor huy hoàng:[/b]
Thời kỳ tiền Angkor:
Bia Baksei Chamkrong dựng năm 948 ghi lại về một truyền thuyết về thủy tổ của người Khmer. Theo truyền thuyết một ẩn sĩ Ấn Độ tên là Kambu đã đến đây sinh cơ lập nghiệp rồi kết hôn với nữ thần Mera. Con cháu của họ đều được gọi là Kambu (Kam Bujia). Như vậy dựa vào bia Baksei Chamkrong cho thấy một cốt lõi sự thật đó là người Khmer đã tách ra khỏi một bộ phận dân cư khá đông đúc ở Đông Nam Á lục địa trở thành một tộc riêng để lập nước và quá trình dựng nước của họ gắn liền với việc tiếp nhận văn minh Ấn Độ. Quốc gia Campuchia hình thành vào thế kỷ VI ở hạ lưu Sê Mun. Bhavavarman được coi là người chính thức sáng lập vương quốc mà tên nước buổi ban đầu còn được gọi theo tên vua: Bhavapura – nước của Bhava. Người ta không biết chính xác thời gian trị vì của Bhavavarman, niên đại duy nhất được biết về ông vua này là vào năm 598. Trong các thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Chân Lạp. Trung tâm của vương quốc này là lưu vực sông Sê Mun (ở Khorat) cho đến Vat Phu (ở Champasak). Mặc dù trong các bia cổ chưa nói gì nhiều về tiểu sử của Bhavavarman nhưng có thể khẳng định rằng vương quốc Campuchia được hình thành vào thế kỷ VI. Sự ra đời của vương quốc này diễn ra đồng thời với sự suy yếu của Phù Nam, vì thế người em cũng là người kế tục Bhavavarman là Sitrasena (hay Mahendravarman) cầm quyền vào khoảng năm 600 – 615 đã bắt đầu tấn công Phù Nam. Sau đó con của Sitrasena lên làm vua và chuyển kinh đô về phía nam đặt tên là Isanapura. Vị trí của kinh đô này có thể là cụm di tích Sambor Preikuk ở Kampong Thom. Isanavarman là người đã chinh phục Phù Nam vào khoảng năm 627 – 649. Đời vua tiếp theo là Jayavarman (khoảng năm 655 – 680), dựa vào tài liệu văn bia ta có thể biết Jayavarman I đã cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn, phía tây đến Battambang, Siam Riep, phía đông nam đến Prey Veng, Takeo, Kampot. Như vậy, cho đến triều đại của Jayavarman I ngoài địa bàn gốc là vùng Champasak và hạ lưu Sê Mun, đã chinh phục một vùng rộng lớn ở hạ lưu Mekong và xung quanh Tonle Sap. Việc đánh thắng Phù Nam không chỉ mở rộng lãnh thổ mà còn mở đường cho quá trình thiên di của tộc Khmer từ bắc xuống nam và kéo theo đó là sự lan tỏa văn hóa Khmer. Các bia cổ còn nói tới việc đạo Hindu dường như chiếm ưu thế hoàn toàn. Các đền miếu thờ thần Hindu giáo có quy mô tương đối lớn. Chẳng hạn, bia Angkor Boray có niên đại 611 cho biết đền này có 22 nhạc công và vũ nữ, 58 nô lệ làm ruộng, 100 con bò và trâu. Việc thờ Linga (tượng sinh thực khí nam) – một hình thái thờ thần Siva, đã trở thành tín ngưỡng của cung đình, được thực hiện từ thời Bhavavarman. Đặc biệt, việc thờ chung cả hai thần Vishnu và Siva trong hình tượng Harahara là một nét độc đáo về tôn giáo và nghệ thuật. Thành tựu văn hóa rực rỡ nhất của người Khmer giai đoạn này là sự sáng tạo ra chữ Khmer cổ trên cơ sở chữ Phạn (Sankrit).
Sau khi Jayavarman I qua đời vương quốc Campuchia rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vợ ông hoàng hậu Jayadevi nắm quyền một thời gian dài (đến khoảng năm 713) sau đó một người trong hoàng tộc là Puskaraksa cướp ngôi, lập ra vương triều mới ở miền Nam, đóng đô ở Sambhupura. Tân Đường Thư cho rằng Chân Lạp bị chia thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Dựa vào sự phân liệt của Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp nên vương triều Sailendra ở Java (Indonexia) đã xâm nhập và cướp phá Thủy Chân Lạp hai lần vào các năm 774 và 787. Lần thứ 2 năm 787 họ tới tận kinh đô Sambhupura và giết vua lúc bấy giờ là Mahipativarman. Thủy Chân Lạp tạm thời bị lệ thuộc vào Java. Sự kiện này đã kết thúc thời kỳ Tiền Angkor.
Thời kỳ Angkor huy hoàng:
Angkor là tên kinh đô của vương quốc Campuchia trong hơn 5 thế kỷ, đồng thời cũng là tên gọi của một thời kỳ phát triển cực thịnh rực rỡ nhất của chế độ phong kiến Campuchia.
Trong lịch sử Campuchia, Jayavarman II được coi là người anh hùng của dân tộc đã có công giải phóng đất nước khỏi sự lệ thuộc của người Java, đánh bại thế lực cát cứ, thống nhất vương quốc. Jayavarman cũng là vị vua Khmer đầu tiên áp dụng tín ngưỡng thờ Thần – Vua (Devaraja). Theo đó, nhà vua được thống nhất với các vị thần và việc tôn thờ Linga – tượng trưng cho vương quyền đồng nhất với thần quyền, trở thành một nghi lễ thiêng liêng của Hoàng gia. Jayavarman II là người đã dày công tìm kiếm địa điểm thích hợp để xây dựng kinh đô. Tuy không phải là người sáng lập Angkor, nhưng chính ông đã xác định vị trí của kinh đô Angkor ở vùng bắc Biển Hồ.
Sau khi Jayavarman II qua đời, các vua đời sau đã tiếp tục sự nghiệp của ông và bắt đầu công cuộc xây dựng lớn. Indravarman (877 – 889) một mặt củng cố chính quyền và bình định vùng đất mới, mặt khác, ông thiết lập mối quan hệ thân thiết với Trung Hoa, Champa và Java. Indravarman cũng là vị vua đầu tiên đã cho xây dựng một số công trình thủy lợi ở kinh đô Hariharalaya (đông nam Siem Reap), trong đó có một hồ chứa nước lớn là Indratataka.
Yasovarman I (889 – 900) nối ngôi cha, sau khi lên ngôi ông tiến hành xây dựng kinh đô mới với trung tâm Phnom Bakheng. Đặt tên kinh đô là Yasodhapura và sau này được gọi là Angkor. Ngoài ra ông còn cho xây dựng khoảng 100 đền chùa rải rác trên khắp đất nước.
Bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ X đến hết thế kỷ XII, vương quốc Campuchia phát triển cực thịnh, trải qua 15 đời vua. Trong đó Jayavarman VII (1181 – khoảng 1200), là ông vua kiệt xuất nhất trong các vua chúa Khmer trong thời đại Angkor. Việc xây dựng một hệ thống thủy nông hoàn bị, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 800 hồ chứa nước lớn nhỏ và một hệ thống kênh máng dày đặc trong khu vực Angkor, trong đó có hồ nước khổng lồ được đào đắp dưới thời của Udayavarman (1050 – 1066) dài 9km rộng 2,2km ở phía tây kinh đô. Hệ thống thủy nông nhân tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vương quốc. Thiếu nó không thể có nền văn minh Angkor.
Bên cạnh đó, đền chùa được xây dựng khá nhiều, trong đó tiêu biểu nhất là Angkor Wat được xây dựng dưới thời Suryavarman II (1113 – 1150) và Angkor Thom với trung tâm là khu đền tháp Bayon được xây dựng dưới thời vua Jayavarman VII. Đặc biệt, Jayavarman VII đã cho xây dựng một hệ thống đường giao thông với bốn tuyến chính từ kinh đô tỏa đi các nơi và 102 “bệnh viện” trên khắp lãnh thổ để chữa bệnh cho nhân dân.
Sự lớn mạnh của vương quốc Campuchia còn được biểu hiện trong việc đẩy mạnh các cuộc chiến tranh với các nước láng giềng. Rajendravarman II vừa mới lên ngôi đã đem quân đánh Champa (945 – 946). Suryavarman I (1002 – 1050) đã mở rộng quyền lực tới miền trung lưu và hạ lưu sông Mê Nam. Harsavarman III (1066 – 1080) đánh Champa và Đại Việt. Suryavarman II nhiều lần đánh Đại Việt và đã chinh phục Champa trong những năm 1145 – 1149. Dưới thời Jayavarman VII, quyền lực của triều đình Angkor được mở rộng mạnh mẽ. Champa bị thôn tính và trở thành một tỉnh của Campuchia.
Sau khi Jayavarman VII qua đời vương quốc Campuchia bước vào giai đoạn suy yếu. Các công trình xây dựng công ích bị dừng lại. Triều đình Angkor không còn khống chế được những vùng lãnh thổ lệ thuộc ở lưu vực sông Mê Nam và trung lưu sông Mekong. Năm 1220, quân đội Khmer rút quân ra khỏi Champa. Cũng ở thế kỷ XIII, Campuchia bị người Xiêm tấn công đến tận kinh đô…Nguyên nhân suy yếu là do việc xây dựng hàng loạt những công trình lớn, những cuộc chiến tranh xâm lược nhằm mở rộng lãnh thổ đã vắt cạn sức lực của một cộng đồng cư dân sống bằng nghề nông, phụ thuộc vào hệ thống tưới nước nhân tạo nhưng cũng đến thời cạn kiệt do không được tu bổ thường xuyên. Do đó, Xiêm nhiều lần tấn công cướp phá kinh đô Angkor, bắt hàng nghìn nô lệ, Angkor hoang vắng dần và dần bị quên lãng. Vì vậy, vào năm 1432, vua Ponhea Yat đã họp quần thần bàn về việc dời bỏ Angkor. Năm 1432, triều đình Angkor dời đô về Bốn mặt sông, tức Phnom Pênh ngày nay. Thời kỳ huy hoàng Angkor chấm dứt.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Quần thể kiến trúc điêu khắc cổ Angkor – niềm tự hào của đất nước Campuchia:[/b]
Công trình kiến trúc và điêu khắc kỳ vĩ này ra đời cùng với nền văn minh Angkor rực rỡ của đất nước Campuchia. Angkor có gốc tiếng Phạn là Nagara, nghĩa là kinh đô. Vùng đất này xưa kia, trong một thời gian dài, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV là nơi đóng đô của các nhà vua trị vì Campuchia. Đây là thời kỳ phát triển huy hoàng nhất trong lịch sử phát triển của dân tộc Khmer cổ. Trong thời gian từng ấy thời gian, người Khmer đã để lại cho hậu thế cả một quần thể kiến trúc, điêu khắc với hàng loạt cung điện, đền đài, chùa tháp, phù điêu, tượng thần…, nổi bật hẳn lên đó là hai kỳ quan: Angkor Wat và Angkor Thom. Kỳ quan Angkor là một thành tựu lớn, nó thể hiện một trình độ sâu sắc về thể tích, về không gian và về sự tổ hợp kỷ hà. Thời bấy giờ, kỹ thuật và phong cách kiến trúc còn hết sức giới hạn – việc sử dụng đá lại có tính chất như sử dụng gỗ, những kết cấu có hình bán nguyệt và nóc vòm là những kỹ thuật người ta chưa được biết – nhưng hiệu quả toàn diện của nó khá làm người ta ngạc nhiên. Jayavarman II (802 – 850) là vị vua mở đầu cho thời kỳ Angkor chói lọi. Ông xuất thân từ dòng dõi cao quý. Bia cổ Bansei ChamKrong đã để lại những lời ngợi ca về ông “Jayavarman hạnh ngộ và rất vinh quang, sinh ra từ dòng dõi Kambu – Meru. Người đóng đô trên đỉnh Mahendra, đã chiến thắng vị thần có trăm lần hiến tế Indra…Người là một kho tàng vẻ đẹp. Người có cái rực rỡ của vị thần có con mắt bông sen (Vishnu).
Jayavarman II với khát vọng về sự thống nhất và sức mạnh vương quyền, đã chọn Mahendra trên đỉnh Phnom Kulen, nơi vẫn được coi là nơi ở của các vị thần linh, để định đô. Đây là một vùng đất trù phú, gần Biển Hồ, nằm trên cả hai vựa – vựa cá và vựa lúa – nơi tiềm tàng của cải thiên nhiên giàu có của đất nước Khmer. Nhà vua cũng là người khởi đầu cho một tín ngưỡng độc đáo – tín ngưỡng Thần – Vua (Devaraja), được bảo lưu và truyền từ đời này sang đời khác. Jayavarman II tuy chưa khởi công lập Angkor nhưng việc lựa chọn của ông đã dứt khoát “giống như con đại bang bay lượn trên không, nhà vua đã xây dựng thành Hariharalaya, thành Amahendrapura và các đền đài ở núi Phnom Kulen tựa như một vòng tròn bao quanh vùng đất Angkor…”. Do đó Angkor đã được bắt đầu từ Phnom Kulen.
Sau Jayavarman II đến đời cháu ông là Iasovarman, Angkor mới chính thức trở thành quốc đô của người Khmer. Nhiều vương triều nối tiếp nhau xây dựng Angkor, đặc biệt là vua Suryavarman II (1113 – 1150). Nhà vua vừa là một nhà xây dựng, vừa là một chiến sỹ nổi tiếng – Người đã sáng lập ra kỳ quan Angkor Wat với hình năm ngọn tháp vươn cao, mãi mãi là biểu tượng đầy tự hào của đất nước và nhân dân Campuchia. Như vậy, quá trình xây dựng Angkor được tiếp nối liên tiếp qua hàng thế kỷ, tuy nhiên do thời gian các công trình này dần dần bị đổ nát, bị tàn phá. Đặc biệt là chiến tranh tại Campuchia và khí hậu hâm hấp miền nhiệt đới đã làm Angkor rệu rã, nhiều chỗ biến dạng và xuống cấp trầm trọng, nạn cướp phá buôn lậu cũng đang giết mòn “niềm tự hào của đất nước Campuchia”. Do đó, trong một thời gian dài Angkor bị quên lãng mãi cho đến cuối thế kỷ XIX mới được phát hiện và nhân loại mới được biết đến như là một trong những di sản văn hóa của thế giới rất đắc sắc trong nền văn minh Đông Nam Á. Công trình kiến trúc điêu khắc cổ của Angkor ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, nhưng “Không giống với bất kỳ kiến trúc nào của Ấn Độ và của các dân tộc khác cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ”. Trong các công trình còn lại đến ngày nay là khu Angkor Wat và Angkor Thom là đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất cho thành tựu kiến trúc và điêu khắc của Campuchia và Đông Nam Á.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Truyền thuyết về quần thể kiến trúc Angkor :[/b]
Truyền thuyết về Angkor kể lại rằng : “Ngày xưa, thần tối thượng Indra có quan hệ với một người đàn bà dưới trần. Người đàn bà sinh ra một người con trai tên là Preah Két Mêalêa (ánh sáng thiên thần). Vì được sinh ra từ lòng hoàng hậu nên Preah Két Mêalêa trở thành hoàng tử kế vị ngội vua ở Indraprast (Campuchia cổ). Thần Indra mê vẻ đẹp của chú bé bèn đem chú về trời. Các thần không bằng lòng cho con của một người trần sống với mình và đòi Indra trả Preah Két Mêalêa xuống hạ giới. Không còn cách nào khác, thần Indra đành phải đem chú bé xuống trần. Đã quen với cuộc sống trên thiên giới, Preah Két Mêalêa cảm thấy buồn bã trong cung điện của vua cha và xin thần Indra cho mình lên trời. Rất thương hoàng tử, nhưng vị thần tối thượng không biết làm cách nào cả. Thần bèn nảy ra một ý và sai vị kiến trúc sư vĩ đại của các thần là Preah Pisnuka xây ngay trên mặt đất cho hoàng tử Preah Két Mêalêa một lâu đài tráng lệ và giống hệt lâu đài của thần Indra trên thượng giới. Trong một đêm, các thần đã xây xong tòa lâu đài – đó chính là Angkor Wat. Ngày nay, trên các phiến đá ở Angkor Wat, còn thấy những lỗ tròn – dấu tay bê đá của các thần.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Quần thể kiến trúc Angkor Wat :[/b]
Sau khi lên ngôi, vua Suryavarman II đã chọn một khu đất rộng và thoáng ở góc đông nam đô thành Yasodharapura để xây dựng đền núi cho mình. Cùng với tục thờ Thần – Vua, một loại hình kiến trúc kỳ lạ của người Khmer ra đời: Đền núi – Mỗi ngôi đền mộ là hình ảnh của quả núi vũ trụ Meru, nơi ngụ của thần linh. Loại hình này xuất hiện từ đầu thời Angkor dưới thời trị vì của vua Jayavarman II. Các vua Angkor coi mình là hiện thân của thần linh nên khi còn sống mỗi vị vua đều xây cho mình những ngôi đền và quan niệm rằng sau khi chết sẽ trở thành vị thần nhập vào ngôi đền mà mình đã xây. Đó là Angkor Wat. Công trình này được khởi công vào năm 1122 và hoàn thành vào năm vua mất 1150.
Nhiều huyền thoại về đã được thêu dệt nên để ca ngợi kỳ tích kiến trúc vĩ đại này. Xét về mặt chức năng, Angkor Wat như nhiều đền đài khác ở Angkor là một đền mộ và gắn tới tục thờ Thần – Vua của các vua chúa Khmer thời Angkor. Các vua Angkor coi mình là hiện thân của thần linh. Nhưng xét về mặt kiến trúc và điêu khắc có thể nói Angkor Wat là một công trình tiêu biểu nhất của loại hình đền núi Khmer, mô hình của nó đã được hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ, Angkor Vat không phải xuất hiện từ hư vô mà là đỉnh cao, là kết tinh của hơn ba trăm năm phát triển của loại hình đền núi Khmer. Angkor Wat nằm trong khu đất thiêng rộng 1500x1300m và bị giới hạn bởi một hồ nước rộng. Đền Angkor Wat cất theo hình chữ nhật, vòng thành chiếm một khoảng đất rộng gần 200 mẫu (tính luôn cả hào nước vây quanh). Bề dày của vách thành chừng 1500 m, bề ngang 1300 m với bốn vành đai đồng tâm. Đền mở về hướng tây, hướng tới đô thành chứ không phải mở về hướng đông như mọi đền núi khác. Có nhiều giả thiết nêu lên sự trái ngược này, người thì cho rằng vì địa thế bắt buộc, kẻ thì bảo theo lối thờ phụng vị Phật vua. Trong những đền đài ở Campuchia người ta thấy vô số những tượng thần bằng đá. Những tượng ấy đều là hình dạng của các đấng tiên vương, các vị hoàng tử hoặc các quan tước có công trong triều, được chạm theo hình vị thần mà lúc sống họ thờ phụng. Danh tánh của các tượng đá đều kết hợp bằng tên của người chết và tên vị thần. Đền Angkor Wat là ngôi đền thờ thần Vishnu, nhưng đó chính là quốc vương Suryavarman II tự phong cho mình là thần Vishnu.
Hào nước rộng bao quanh như một vành đai bảo vệ Angkor Wat trước sự xâm lấn của rừng cây. Xung quanh hào có những nấc thang từ trên xuống mặt nước. Mặt hào có hai con đường chắn ngang, một đường ở cửa đông và một ở cửa tây. Vượt qua cửa phía tây là con đường đi giữa hai hàng lan can đá có hình rắn Naga khổng lồ (rắn thần giữ kho tàng cho các chư thần Siva, Vasuki, Taksaka) dẫn tới cổng chính dài 230 m. Sau cổng chính, hình dáng ngôi đền được thu lại nổi bật trong khuôn cửa, vừa vặn y như một bức tranh tuyệt khéo. Từ đây khúc dạo của bản giao hưởng nghệ thuật lớn được bắt đầu.
Từ cồng vào đền ta phải qua một con đường dài 350m, rộng 9m5, hang bên đường vẫn là dãy lan can hình rắn Naga. Các bia ký và hình chạm khắc cho thấy, xưa kia vua Surya thường xa giá đến đây. Nhà vua ngự trên con voi lớn nhất, có bành lộng lẫy, phía trước là đoàn người cầm phướn, các nhạc công, các kiệu lễ vật và các cung nữ cầm hoa, nến. Các nàng công chúa ngồi trên các cỗ xe, còn các hoàng tử thì cưỡi voi có lộng che trên đầu. Đoàn rước đi tới cửa đền, rẽ sang hai cánh, chỉ Đức vua với hoàng gia mới được vào đền. Họ dừng lại làm lễ ở khu hồi lang thứ nhất.
Khu này được trấn giữ bởi những hình sư tử và rắn Naga. Dọc tường hồi lang là những bức phù điêu lớn, cao 2m, dài từ 50 – 100m. Trên đó là những hình chạm khắc mô tả các cảnh tượng mô tả nhiều giai đoạn trong cuộc đời Rama, một hóa thân của Vishnu lấy từ sử thi Ramayana và Mahadharata của Ấn Độ cùng các chiến tích của nhà vua. Chân dung của nhà vua được thể hiện dưới cảnh đang thiết triều và xung trận. Vua Surya với hình vóc cao lớn, cưỡi trên mình voi, đầu đội mão nhọn, có 15 cây lọng che, tay cầm một con dao cán cong giống như loại dao đi rừng của người Khmer ngày nay. Vây quanh nhà vua là các tướng lĩnh, cùng cưỡi trên mình voi, các vị tướng đều có lộng che (số lọng này nhiều hay ít – tùy theo chức phận). Những cuộc chiến tranh cũng được mô tả một cách tỉ mỹ với những đoàn quân hàng ngàn người, xông vào nhau, khí thế hừng hực. Trong khi đó các cảnh sinh hoạt hội hè lại rất êm đềm, sống động.
Những hình chạm khắc như trên có nhiều vô số và tràn ngập cả Angkor Wat. Bản thân chúng là tư liệu độc đáo, phản ánh cuộc sống của con người, những con người đã xây dựng, bảo vệ và sinh sống tại thành phố Khmer cổ kính này. Những hình chạm khắc ấy tỉ mỹ và chính xác một cách kỳ lạ, khiến cho người xem hoàn toàn bị choáng ngợp bởi sự sinh động và phong phú của nó.
Ở dãy hồi lang hướng đông có một mảng phù điêu dài 50m, thể hiện sinh động huyền thoại “Khuấy động biển sữa” của người Khmer. Theo truyền thuyết thì các vị thần Deva đã khuấy động biển sữa để lấy nước cam lồ là thứ nước giúp trường sinh bất tử để giúp đỡ cho con người và là người chiến đấu với quỷ Asura để bảo vệ dân chúng Khmer. Do đó bọn quỷ Asura luôn căm ghét nữ thần Asura và tìm cách giành giật. Trên phù điêu có hình một vị thần bất tử Avatar của thần Vishnu đang ngồi trên lưng rùa, dùng ngọn núi Mandara làm trục, sợi dây là thân con rắn Vasuki do bọn quỷ nắm đầu còn các vị thần nắm đuôi. Cuộc tranh chấp “Khuấy biển sữa” này kéo dài hơn một ngàn năm, kéo theo sự hiện diện của nhiều thần và vật khác nhau như: bạch tượng Airavata của thần Indra, thần mã Uccaihovara, đoàn tiên nữ Apsara, nữ thần sắc đẹp Laksmi.
Ở mặt tây của tầng một có ba cầu thang dẫn lên tầng hồi lang kín thứ hai.Tầng này là cả một thế giới của các ô sân tạo bởi những lối đi có mái che chạy ngang dọc cắt nhau. Nơi đây, cũng theo các bia ký, hoàn toàn dành riêng cho các thành viên của Hoàng gia. Đức vua và hoàng gia sau khi làm lễ ở tầng một sẽ lên đây nghỉ ngơi. Nơi đây không khí hoàn toàn tĩnh lặng với những thư viện có nhiều thánh kinh. Trên các vách tường là vô vàn hình tiên nữ Apsara bằng đá, với khuôn mặt kiều diễm, đầy trí tuệ, trong các trang phục gợi cảm, đang nở nụ cười quyến rũ. Những hình tượng ấy tưởng chừng như đã thở một hơi thở nhẹ nhàng và sống động lên các vách tường của đền, thể hiện trí tưởng tượng vô hạn của những nghệ nhân điêu khắc Khmer thời ấy.
Theo lối tam cấp có mái che dẫn lên tầng ba, đây là tầng trên cùng của Angkor Wat. Từ đây năm ngọn tháp như những nụ hoa vươn lên nền trời xanh ngắt, ngự trị cả không gian xung quanh. Đến đây thì kiến trúc Angkor Wat hiện rõ dưới dạng kim tự tháp ba tầng, được bố cục theo sơ đồ ngũ điểm, với ngọn tháp chính ở trung tâm cao nhất tới 42m. Từ tháp trung tâm này tỏa ra bốn cổng ở bốn hướng với những hành lang có cột và mái che. Tỉ lệ giữa ba tầng của Angkor Wat chính xác một cách đáng kinh ngạc. Đây là tỉ lệ vàng mà người Hy Lạp cổ sử dụng trong các công trình kiến trúc của mình. Theo họ, muốn bao quát toàn bộ công trình phải lùi xa một khoảng gấp hai lần kích thước lớn nhất của công trình đó. Ở Angkor Wat, quãng đường từ giữa cổng vào tới khu đền dài gấp đôi chiều dài mặt tây của đền. Chiều cao của ba tầng cứ lên từ từ, đều đặn, với một cấu trúc và hình dáng giống nhau, hòa nhập lẫn vào nhau tạo nên một cảm giác thật hoàn hảo. Chắc chắn rằng những người xây dựng Angkor Wat đã phải tính toán tỉ mỹ và kỹ lưỡng lắm trước khi thi công. Angkor Wat có thể là mộ của Suryavarman II, nhưng nó cũng có thể là đài thiên văn: mặt trời mọc thẳng trên ngôi đền vào ngày hạ chí, khởi đầu của năm dương lịch Ấn Độ. Kích thước của nó phản ánh những quan niệm của người Ấn Độ về thời gian. Nó đẹp là vậy, nên trong thời huy hoàng của nó, Angkor Wat thậm chí còn gây ấn tượng hơn, những ngọn tháp của nó được mạ vàng và mặt ngoài của nó sơn trắng. Một nhà nghiên cứu khi đến thăm Angkor Wat đã viết “Khi nhìn ngôi đền này, con người cảm thấy tinh thần họ quá vụn vặt, trí tưởng tượng của họ kém cỏi. Người thì nhìn, người thì ngưỡng mộ, và người thì im lặng vì quá kính phục. Tìm đâu ra những từ ngữ để ca ngợi một công trình nghệ thuật mà có thể trên trái đất này không gì sánh bằng nó ?”
Công sức đổ vào việc xây dựng Angkor Wat đã làm cạn kiệt xứ sở này. Vì thế sau khi Suryavarman II mất, đất nước Khmer lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, quân đội Champa đã tấn công và tàn phá Angkor Wat vào năm 1177. Phải đợi đến khi Jayavarman VII bình định lại bờ cõi, mới cho khôi phục lại kinh đô. Ngoài những chiến công oanh liệt, quốc vương Jayavarman VII còn để lại cho lịch sử Khmer một kỳ công về kiến trúc điêu khắc. Chính ông đã cho xây dựng nên kinh đô Angkor Thom với 12 cây số tường thành, những hào rộng, cửa ra vào và đền Bayon rực rỡ.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Quần thể kiến trúc Angkor Thom:[/b]
Angkor Thom được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Để thực hiện một công trình vĩ đại như thế, quốc vương Jayavarman VII phải tập trung các loại thợ : thợ xẻ đá ở núi Phnom Kulen (núi này cách Angkor chừng 50km), phu vận chuyển đá, thợ đẽo đá thành phiến và mài phẳng theo những hình dáng quy định, thợ xây, thợ chạm khắc đá…Hàng chục vạn người đã lao động cật lực để hoàn thiện công trình này trong vòng 20 năm.
Kinh đô Angkor Thom rộng 16km2 (gấp 4 lần kinh đô cũ) là một kinh đô thơ mộng lãng mạn vào loại bậc nhất trong thế giới phương Đông. Tính từ cửa đền Angkor Wat đến mặt phía nam thành Angkor Thom phải đi theo đường bộ 1700m về hướng bắc. Vòng thành xây theo hình vuông, có chiều cao là 8m, xây bằng đá ong. Ngoài thành có hào nước rộng trăm thước bao bọc, ở mỗi góc thành có một ngôi tháp nhỏ gọi là Prasat Chrung, trong tháp có một bia đá ghi lại công cuộc xây dựng kinh thành của nhà vua. Những tháp này đều trổ cửa về hướng đông, trên nóc xây theo hình vòng cung.
Angkor Thom có năm cửa ra vào, bốn cửa nằm ở bốn trục và mootk cửa phụ phía đông. Mỗi cửa có một cổng thành, xây hình ba ngọn tháp sắp theo hàng ngang, mỗi ngọn có bốn mặt Phật vĩ đại tượng trưng cho uy quyền nhà vua tỏa khắp bốn phương trời. Trung tâm của Angkor Thom là đền Bayon, chỗ ở của vua nằm chếch về phía bắc. Trong thành, có nhiều đền miếu khác như Banteay Kdei, Ta Prohm, Preah Khan, Neak Pean…Trên đường dẫn đến cửa thành, có hai hàng tượng đá thật lớn. Vị tùy viên người Trung Hoa là Châu Đạt Quan trong lần đi sứ sang Angkor năm 1295 đã thuật lại “Ở hai bên đường có 54 vị thần bằng đá, to lớn và hung tợn. Hai bao lơn bằng đá tạc hình rắn 9 đầu”. Cả 54 vị thần ôm lấy mình rắn có vẻ như muốn giữ rắn lại không cho lủi trốn, nhịp điệu của các thần ngả về phía sau vì gắng sức, đường cong của thân rắn vút lên trời khiến cho cảnh tượng thật mạnh mẽ và hung tráng.
Theo các nhà khảo cổ thì hai tượng đá rắn tạc theo lối tượng trưng cho hai chiếc cầu vòng mà lịch sử tôn giáo Ấn Độ xem đó là cái gạch nối giữa thế giới người phàm với cảnh Phật, còn hai hàng tượng: một bên là những vị thần Deva, mặt mày vui vẻ, hiền từ, một bên là lũ quỹ Asura, nét mặt hung tợn đang diễn tích “khuấy động biển sữa”. Chủ đề “Khuấy động biển sữa” được Jayavarman VII tạo ra với một tầm vóc khổng lồ. Cảnh khuấy biển sữa diễn ra quanh trục núi Meru mà ngọn Bayon là trung tâm, biển sữa được thể hiện qua hình ảnh hào nước bao quanh thành. Hình ảnh khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh phần nào nói lên ước muốn và việc làm của nhà vua, đó là một việc làm đầy tính nhân văn mà hiếm có ông vua nào trên thế giới có thể làm được, 102 bệnh viện được lập ra trên khắp lãnh thổ. Ngay ở Angkor Thom cũng có 4 bệnh viện ở gần 4 cửa thành. Bia đá được dựng ở mỗi bệnh viện có khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông còn lưu truyền trong dân gian “Người đau đớn vì bệnh tật của thần dân hơn là của chính Người, vì nỗi đau đớn của mọi người gây nên nỗi đau đớn của các vua, chứ không phải bởi chính nỗi đau đớn của các vua”. Có lời đồn rằng: Jayavarman VII bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo, người ta gọi ông là “Vua hủi”. Có lẽ vì vậy nên nhà vua rất thấu hiểu những nỗi đau đớn của người bệnh nên mới xây dựng nhiều bệnh viện đến thế! Nỗi khao khát về cuộc sống vĩnh hằng thể hiện trong lời cầu nguyện của nhà vua – được khắc trên bia đá: “ Trẫm cầu nguyện cho tất cả Quốc vương nối nghiệp Trẫm sau này sẽ được mạnh khỏe, không vướng bệnh tật gì cho đến ngày giải thoát cùng với dòng dõi của họ, vợ con, quần thần và bạn bè của họ”. Những năm tháng chinh chiến vinh quang và tàn bạo và Jayavarman VII tiến hành đã vĩnh viễn dừng lại ở cổng bệnh viện. Người ta đồn đại rằng, sau này nhà vua chết vì căn bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa, nhưng vượt lên trên tất cả, cái khát vọng về sự sống của nhà vua thì vẫn còn đó, mãi mãi, trên những bức tường đá cổ kính của Angkor Thom vĩ đại.
Ở Angkor Thom có rất nhiều phù điêu chạm nổi trên vách đá. Mỗi bức dài tới hàng ngàn mét, cao quá đầu người – Có bức đếm được hơn 11.000 nhân vật trên đó ! Nghệ thuật rất điêu luyện. Có lẽ đây là một trong những công trình chạm trên đá lớn nhất của loài người. Angkor Thom vào thời đại ấy là cả một kho báu. Người ta được biết có ít nhất là ba ngôi tháp nhỏ, với ba con sư tử lớn bằng đá, một cây cầu xây qua hào nước, một tượng Phật tám thân và một bình bát khổng lồ - tất cả đều bằng vàng và để nằm lộ thiên trong khu Angkor Thom cho dân chiêm ngưỡng! Ngoài ra còn có hàng chục ngàn lọng, tán, xe, vũ khí đúc bằng vàng, đỉnh ngọc dành cho Vua, Hoàng gia và đại thần. Trên tấm bia đá ở một ngôi đền nhỏ (đền Ta Prohm, thờ mẹ vua Jayavarman VII) trong số hơn hai chục ngôi đền rải rác trong khu Angkor, người ta thấy ghi số báu vật dành riêng cho ngôi đền có 35 hột kim cương, 4.500 hột ngọc thạch, 1.000 tấm lụa, 40.620 hột ngọc trai và một bộ chén bát khổng lồ bằng vàng nặng…5.000kg!
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Đền Bayon[/b]
Trung tâm quần thể kiến trúc Angkor Thom và cũng là tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất của Jayavarman VII là đền Bayon. Một ngôi đền vĩ đại và kỳ lạ mà có lẽ khắp thế giới không đâu có một công trình kiến trúc phảng phất như vậy.
Toàn thể ngôi đền chiếm một khoảng đất đai dài 160m, ngang 140m. Giữa là ngôi tháp chính cao 23m. Từ tháp chính có 12 gian tỏa ra xung quanh và đan cài giữa hàng loạt ngôi tháp. Ở đây có 50 cái tháp lô nhô như một rừng đá, cái nào cũng cao trên 10m. Có 172 mặt người (tức 43 đầu Phật, mỗi đầu có 4 mặt), lớn khoảng 2 – 3 thước, ở các vị trí sáng tối, cao thấp khác nhau, hướng về bốn phương trời. Các mặt người trên tháp đã vật chất hóa sự có mặt ở mọi nơi của các vị thần linh. Dưới ánh trăng huyền ảo, những mặt người với đôi mắt khép hờ, miệng nở nụ cười khoan dung và bí ẩn, có lúc như mỉa mai trêu cợt, có lúc lại vỗ về, thương cảm…tất cả đều được thể hiện một cách sống động và kỳ diệu đến lạ lung khiến cho người xem phải kinh ngạc ngẩn ngơ…Một du khách, trong một lần đến thăm Bayon đã viết “Tôi ngẩn đầu lên nhìn những tháp dựng đứng ở trên cao, chìm trong cảnh xanh tươi đó và thình lình tôi rùng mình, sợ sệt – một nỗi sợ mà tôi chưa từng biết. Khi tôi thấy một nét cười lạnh lẽo rơi từ trên cao xuống tôi…rồi lại có một nét mỉm cười nữa ở đằng kia, trên một mảnh tường khác…rồi ba, rồi năm, rồi mười cái mỉm cười, đâu đâu cũng có, tôi bị giám sát ở khắp nơi”. Cũng có thể những người thợ tài ba đã phóng tác theo tâm hồn, ý tưởng của vua Jayavarman VII – nụ cười bình yên của đức Phật hay nụ cười mãn nguyện của nhà vua trước một thời thịnh trị. Dù sao thì, trước cảnh tượng đó người xem cũng bàng hoàng tự hỏi: làm sao mà người đời xưa có thể chở được cả những núi đá đó qua biết bao rừng sâu, núi thẩm đến đây, họ dùng vôi cát gì để gắn mà trải mấy trăm năm không đổ, rồi đụcchạm làm sao mà mỗi nét đều sắc đến như vậy, trăm mặt Phật giống nhau đến như vậy?
Khác với Angkor Wat, Bayon không có tường bao nhưng mặt tường bên trong và bên ngoài của các khu hồi lang cũng được trang trí bằng rất nhiều phù điêu. Hồi lang bên trong là nơi người xưa thuật lại những đề tài về thần thoại Bàlamôn, trái lại hồi lang bên ngoài hoàn toàn là những cảnh ngoài đời, những cảnh làm việc, vui chơi, giải trí của dân chúng và vài đoạn lịch sử về cuộc hành quân, các trận chiến dưới triều vua Jayavarman VII. Những hình chạm này có vẻ hơi thô kệch và ngây thơ nhưng được chạm khá sâu. Đây là bộ bách khoa bằng đá rất quý giá mô tả tập quán và sinh hoạt của người Khmer cổ.
Theo các nhà khảo cổ học thì vua Jayavarman VII mới đầu cất ngôi đền này theo kiểu đền Ta Pnohm hay Banteay Kdei để thờ Phật, sau đó sửa đổi nhiều lần và xây thêm nhiều phòng, hàng lang, tháp với nhiều mức độ cao thấp khác nhau cho tương xứng với nơi thờ một vị Phật – Vua. Ngày nay, trên ngọn tháp tại trung tâm đền vẫn còn tượng Jayavarman VII – vị Phật đầu thai xuống làm vua như để san sẻ nỗi đau của nhân gian. Du khách đến thăm Bayon đắm mình trong khung cảnh đền đài hung vĩ, dường như vẫn còn nghe thấy đâu đây, trong tiếng lá rụng của rừng thưa, tiếng gió thổi rào rào trên đầu, văng vẳng tiếng của ngàn xưa đưa lại, tiếng đàn, hát, chiêng trống của đám rước vũ hội mừng nhà vua chiến thắng trở về. Khi vua Jayavarman VII đầu đội mũ mười chín tầng dát ngọc ở trong đền từ từ bước ra, cùng một đoàn vũ nữ nhẹ nhàng uyển chuyển như một con Naga uốn khúc, thì đèn đuốc bỗng tắt hết, chỉ còn lại ánh trăng long lanh rải trên những mũ, xiêm dát vàng của các nàng vũ nữ. Một khúc nhạc du dương nổi lên như cuốn lấy những tấm thân mềm mại ấy và một mùi hương ngan ngát của các thứ trầm quý nhất ở Mã Lai, các thứ hoa thơm nhất trong miền Xiêm Riệp phả ra, hòa quyện vào không khí, làm cho mọi thứ như lắng đọng lại, rồi chìm sâu đến vô cùng, vô tận…Cuối cùng tất cả đột ngột tan biến, chỉ để lại cho người đời nay những cảm giác bồi hồi, khó tả…Công sức, tiền của và tài trí đổ ra cho Bayon thật là đồ sộ. Theo tính toán của B.P.Giôsliê, một nhà nghiên cứu mỹ thuật người Pháp, để chạm khắc tất cả những hình bằng đá ở Bayon cần có 1.000 nhà điêu khắc giỏi, làm việc cần cù trong vòng 20 năm. Và để trang trí cho các tượng ở Bayon phải dùng đến 5 tân vàng, 5 tấn bạc và 40 nghìn viên đá quý.
Jayavarman VII đã muốn chứng minh rằng mình là vị cứu tinh của dân tộc, của đất nước. Trong vòng 40 năm trị vì, nhà vua đã dồn hết tâm sức để xây dựng đền chùa và các công trình khác, đã sử dụng một khối lượng đá cho xây dựng nhiều hơn các vị vua tiền bối trước của Angkor cộng lại. Chính vì vậy mà nhà vua cũng không thoát khỏi vết trược lịch sử của các vì vua trước: ngân khố quốc gia khánh kiệt, đời sống nhân dân cùng cực, đất đai, thủy lợi không được quan tâm đã trở nên cằn cỗi. Chưa có tài liệu nào nói về cái chết của nhà vua một cách chính xác, nhưng cái chết của ông đã cuốn theo những vinh quang, hào nhoáng từng vang bóng một thời của đế đô Angkor. Để tồn tại, người Khmer đã phải bỏ kinh thành mà tiến về vùng đồng bằng trù phú phía dưới. Angkor suy tàn nhanh chóng và không gì có thể cưỡng lại được, cuối cùng bị chìm đắm trong cuộc xâm lược của quân Thái.
Angkor hoang phế, không lâu sau lại bị rừng núi xâm chiếm và bao phủ. Dấu vết của nó mờ dần, nhưng ánh sáng của Bayon là ánh sáng của một vì sao băng, nó rực lên rạng rỡ đến mê hồn dù sau đó lụi tàn ngay trong đêm tối. Sau Bayon, không một đền núi nào được xây dựng, đó là sự cáo chung cho kiến trúc đền núi và tôn giáo Thần – Vua. Phải đợi đến thế kỷ XIX, Angkor mới được hồi sinh và đến nay được đánh giá tương xứng như một kỳ quan của nhân loại.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]Giá trị của Angkor đóng góp vào văn minh nhân loại:[/b]
Quần thể kiến trúc điêu khắc cổ Angkor có thể nói đã góp phần không nhỏ vào nền văn minh nhân loại. Angkor với một kiến trúc độc đáo, kỳ vĩ là công trình to lớn vĩ đại mà cư dân Khmer cổ đã tạo nên trong quá trình xây dựng đất nước. Tìm hiểu kỹ về quần thể kiến trúc Angkor không những đem lại cho chúng ta tri thức về mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc về đất nước Campuchia mà Angkor còn thể hiện là một bức tranh của quá khứ, thể hiện đời sống sinh hoạt của vương quốc Khmer cổ, những biến động về mặt chính trị với bao thăng trầm từ suy yếu đến phát triển cực thịnh của thời kỳ Angkor điển hình, là thước đo tri thức đánh giá Campuchia cũng một thời vang bóng, cũng phát triển cực thịnh bành trướng xâm lược ra bên ngoài để mở rộng lãnh thổ. Không dừng lại ở đó, nghiên cứu kỹ về Angkor ta sẽ thấy được bàn tay điêu khắc tài hoa của những nghệ nhân đã xây dựng nên, đặc biệt là điêu khắc đá tượng Phật với những hình ảnh bốn chiều cùng nụ cười bí hiểm đặc trưng cho văn minh Đông Nam Á “nụ cười Bayon” đã làm cho du khách đến với Angkor phải trầm trồ thán phục. Quan trọng nhất là sự tiếp biến trong văn hóa Ấn Độ của người Khmer cổ, những cư dân Khmer cổ mặc dù từ rất sớm đã tiếp thu nền văn hóa vĩ đại của phương Đông – văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên họ đã tiếp thu có chọn lọc tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Phật giáo để làm nên phong cách riêng cho đất nước mình qua xây dựng một quần thể kiến trúc nổi tiếng Angkor mang tầm vóc vĩ mô của nhân loại. Quần thể kiến trúc Angkor không những là niềm tự hào của đất nước Campuchia mà còn là niềm tự hào của thế giới, là di sản văn hóa của thế giới.
Hiện nay, Campuchia với sự giúp đỡ của UNESCO đang từng bước tôn tạo, phục hồi các công trình kiến trúc độc đáo và kỳ vĩ này, tạo dựng lại những giá trị nguyên bản của nó. Angkor còn chứa đựng biết bao điều bí ẩn trong từng thớ đá, từng viên gạch từng đường nét kiến trúc tài hoa của cư dân Khmer cổ xưa mà các nhà khoa học còn chưa khám phá hết được, do đó, đồng hành với quá trình xây dựng phục hổi và tôn tạo lại di sản văn hóa này chúng ta còn phải nghiên cứu sâu hơn những giá trị nghệ thuật cũng như giá trị nhân bản mà Angkor đã mang lại cho chúng ta.
[b style="mso-bidi-font-weight: normal;"]TÀI LIỆU THAM KHẢO[/b]
Charles Higham (2002), The civilization of Angkor, University of California
Dawn F Rooney (2002), Angkor an introduction to the Temples,Odyssey Guides
Eleanor Marrikka (1997), Angkor Wat – Time spaces and Kingship, Allenach Unwin
Coe Michael (2003), Angkor and Khmer Civilisation, New York, Themes & Hudson
Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Ngô Văn Doanh, Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (2000), Nghệ thuật Đông Nam Á, NXB Lao động
Lê Phụng Hoàng, Hà Bích Liên, Trần Hồng Ngọc (2007), Các công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ trung đại, NXB giáo dục
Mary Somers Heidhues (2007), Lịch sử phát triển Đông Nam Á, NXB văn hóa thông tin
Lương Ninh, Vũ Dương Ninh (chủ biên) (2009), Tri thức Đông Nam Á, nhà xuất bản Văn hóa thông tin
Đinh Trung Kiên (2009), Tìm hiểu nền văn minh Đông Nam Á, NXB giáo dục Việt Nam
Bùi Văn Quảng (2007), Những kỳ quan du lịch của thế giới, NXB trẻ
Viện Đông Nam Á, Ngô Văn Doanh (1999), Từ điển văn hóa Đông Nam Á, NXB Văn hóa thông tin
Mạng Internet
diepkhaoco52
diepkhaoco52
Member
Member

Tổng số bài gửi : 25
Join date : 03/12/2011
Age : 33
Đến từ : Cam Lâm - Khánh Hòa

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết